Hậu trường chấm giải và bên lề Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay qua đối thoại với nhà văn Trần Đức Tiến - Ủy viên Ban chấp hành (BCH), thành viên Hội đồng chung khảo.
Nhà văn Trần Đức Tiến
Anh là người duy nhất trong BCH đề cử cuốn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của Nguyễn Trí, và đề cử thành công. Năm nay Hội đồng văn xuôi không chọn được cuốn nào và còn định không có giải văn xuôi?
Việc đề cử của tôi là bình thường, quy chế giải cho phép điều ấy. Đây là lần thứ hai tôi đề cử có kết quả. Lần trước tôi ở Hội đồng văn xuôi, và cuốn do tôi đề cử vào phút chót đã giành tặng thưởng. Nhưng thôi, ta nói sang chuyện khác đi.
Một quyển sách hay, không trong đề cử giải Hội Nhà văn, không được giải này giải nọ, thì tôi tin trước sau bạn đọc cũng biết đến nó. Quan trọng là nó có được bạn đọc đón nhận hay không, có sống trong lòng bạn đọc hay không chứ không phải vì thứ hào quang lấp lánh nhất thời nào khác.
Sách của Nguyễn Trí cũng thế. Không ai đề cử, nó vẫn hay như thường. Giải của Hội thêm một lần thừa nhận và khẳng định giá trị vốn có của nó.
Trong ngót trăm cuốn được các NXB, Hội Văn nghệ, cá nhân nhà văn tiến cử năm nay, Hội đồng văn xuôi đã đọc và quả thật chưa cuốn nào chiếm số phiếu thuận quá bán của các vị ấy. Không cuốn nào vào chung khảo thì đương nhiên “mất mùa” giải văn xuôi rồi. Còn cách thời gian “đá” trận chung kết khoảng mươi ngày, tôi quyết định chuyền một đường bóng.
Một “đường chuyền” cầu âu, ăn may à?
Không, tôi nhắm cuốn này từ trước chứ. Tôi mới nghe loáng thoáng về nó, chưa kịp đọc, nhưng đã có một linh cảm. Đi mua sách, đứng giữa cả rừng sách, thỉnh thoảng tôi vẫn có thứ linh cảm như vậy khi chọn sách. Tôi gọi cho người bạn ở NXB Trẻ và ngay lập tức, chị ấy gửi cho tôi cuốn của Nguyễn Trí. Đọc xong, tôi thấy linh cảm của mình rất có lý.
Ý kiến của các giám khảo khác (Hội đồng văn xuôi, Hội đồng chung khảo) thế nào? Vì Nguyễn Trí là cây bút còn ít người biết tới cho đến khi nhà văn Hồ Anh Thái phát hiện và tiến cử với NXB Trẻ để in cuốn đầu tay.
Tôi cho rằng việc đọc và đánh giá Nguyễn Trí ở cả hai hội đồng là công tâm. Nghe các vị ấy phát biểu thì biết họ đọc kỹ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh không có sách in nên phải đọc bản photocopy. Vì là bản phô tô nên rất dày và nặng, ông phải dứt ra từng tờ để đọc.
Nhà văn Khuất Quang Thụy sợ bị cảm giác lần đầu đánh lừa nên cẩn trọng đọc lại lần nữa. Tôi còn nhớ một số nhà văn khác trong hai hội đồng đã hào hứng như thế nào khi nói về Bãi vàng… Tóm lại khi đọc, họ chỉ quan tâm điều duy nhất là cuốn sách được đề cử, và nó có xứng đáng được giải không? Thế thôi.
Ở Hội đồng chung khảo, ý kiến đánh giá cuốn này đạt sự đồng thuận rất cao. Tuy nhiên khi tiếp xúc với nhiều nhà văn khác, tôi nghe những ý kiến trái ngược. Biết chuyện đó thường, nhưng vẫn không khỏi… giật mình!
Thẩm mĩ của các nhà văn ta phong phú phức tạp thế cơ mà! May mà tôi chỉ có nhiệm vụ lắng nghe và tiếp thu. Chứ nếu phải tranh luận thì cũng chẳng biết phải nói với nhau thế nào. “Kênh” khác nhau đến thế, có nói đến rách cả sách (mép) chắc gì ai chịu ai?
Nguyễn Trí - người đào vàng, tìm trầm, kéo cưa lừa xẻ, đồ tể kiêm giáo viên Anh văn với cuốn sách đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm nay.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận phát biểu trên báo Tiền Phong: “Có sự hẹp hòi trong giới kịch”. Còn giới của anh? Có lẽ không phải hẹp hòi mà chỉ là do người ta hơi khó phục nhau trong nghề viết. “Lòng riêng riêng cũng kính yêu”.
Hồi trước cũng trên báo Tiền Phong, tôi có bài bình luận bóng đá Chân mình, vợ người hay thế mà chẳng thấy ai khen gì? Hu hu. Văn mình vợ người mà, câu ấy luôn luôn đúng đấy ạ.
Làm giám khảo vài cuộc đây đó, điều khiến tôi sợ nhất là gặp phải sự đố kỵ và thành kiến. Hai thói xấu này có mặt ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực. Nhưng trong văn chương thì chúng đáng ghét hơn nhiều.
Trước khi đề cử cuốn Nguyễn Trí tôi có nói chuyện với một số người. Có người khuyên không nên. Có người nghi ngờ Hội đồng chung khảo. Biết làm thế nào, đấy là quyền của họ. Chỉ có điều khi kết quả được công bố, thì câu chuyện lại có vẻ phát triển theo hướng khác. Trước: không nên đề cử, đừng đề cử. Còn bây giờ: xứng đáng lắm, mừng cho văn học nước nhà!
Tôi tự hỏi: Nhà văn mà nhanh quên thế sao? Đố kỵ và thành kiến có tiêu tan dễ thế không? Hay chúng chỉ tạm thời được che đậy bằng cái mặt nạ đầy hoan hỉ trước thành công không thể chối bỏ của người khác?
Được biết Nguyễn Thị Thu Huệ tiến cử “Con giai phố cổ” của Nguyễn Việt Hà nhưng Huệ không “duyên” bằng anh. Anh thấy văn chương cuốn này có xứng với danh tiếng? (Những tạp văn này khi in tạp chí thì không sốt mấy nhưng lại làm thành hiện tượng xuất bản nho nhỏ năm nay - hàng vạn bản chưa kể sách lậu).
Rất tiếc về Con giai phố cô. Bây giờ tôi chỉ có thể nói như vậy. Tôi đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà từ lâu, từ khi chúng còn chưa được tập hợp thành sách. Vì thế tôi ủng hộ đề cử của Thu Huệ ngay từ đầu. Theo tôi, Nguyễn Việt Hà là người viết tạp văn hay nhất hiện nay.
Tôi đã mừng quá sớm khi hình dung ra trong giải thưởng của Hội có tạp văn Nguyễn Việt Hà. Nhưng thôi, nói thêm mấy câu thì cũng chẳng thêm được gì vào danh tiếng có thừa của anh ấy.
“Bãi vàng, đá quý, trầm hương” của Nguyễn Trí ngồn ngộn vốn sống và vốn ngôn ngữ - nhất là tiếng lóng, rất “đặc chủng” khi miêu tả tầng lớp dưới đáy, đọc thú vị. Giá tác giả tiết chế hơn nữa, bớt tham - đồng nghĩa chuyên nghiệp hơn nữa, sẽ hiệu quả hơn. Tiết chế, kiểu như truyện “Trại viên cũ quay lại đông lắm” xinh xắn và đầy bất ngờ. Đáng quý ở tác giả này là có lối đi riêng, giọng riêng - điều luôn hiếm.
Hồi giữa năm, Trần Đăng Khoa có tham luận đọc tại cuộc gặp gỡ các nhà thơ thế giới tổ chức ở Pháp. Trong tham luận này anh hồi nhớ một thời văn học “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình” (Tế Hanh) hoặc “Tôi viết bài thơ/Ghép bằng khẩu hiệu” (Chính Hữu).
Anh Khoa phân tích: “Tất nhiên đó là những khẩu hiệu viết bằng tâm hồn chứ không phải lý trí. Cũng không chỉ Chính Hữu mà rất nhiều nhà thơ rất sung sướng làm cái công việc đi “ghép khẩu hiệu” như thế. Bởi người dân lúc bấy giờ cần khẩu hiệu hơn là những nỗi niềm vân vi mây gió. Có khi chỉ vịn vào một khẩu hiệu là đã có được một niềm tin, một sức mạnh có thể vượt qua gian lao, vượt qua cả cái chết. Chúng tôi phải hy sinh rất nhiều để có được những tác phẩm thực sự có ích như thế đối với nhân dân”.
Nhân trường hợp Nguyễn Trí và liên tưởng nhà văn nói chung, thấy mấy chục năm sau, dường như đội ngũ viết na ná vẫn đông lắm?
Chị thấy thế à? Theo tôi, nếu có thế thật thì cũng là điều khó tránh khỏi, chị ạ. Văn chương phải là nơi thể hiện triệt để con người cá nhân của anh. Đọc văn, không phải là để nghe anh kể câu chuyện về ông này bà kia, mà chính là để xem anh - cái người viết văn ấy - trình diễn mình. Diễn giống nhau, người nào cũng như người nào thì thà lượn một vòng ra phố ngắm các em còn khoan khoái hơn.
Có lần tôi phát biểu đại khái: Văn chương mà không khác thường, không có gì riêng, thì thế giới chỉ cần mươi nhà văn cỡ lớn là đủ. Cho nên quá trình sáng tạo của nhà văn thực chất là cuộc chiến đấu chống lại mọi ảnh hưởng. Cuộc chiến đó nhiều khi cũng vô vọng như cuộc chiến của Đông Ki-sốt với cối xay gió. Vậy mà hết Đông Ki-sốt này đến Đông Ki-sốt khác vẫn thi nhau hăng hái lên ngựa. Giá như đấng tối cao trên kia nhìn xuống, thấy cảnh này và hét lên: “Các con ơi, các con lú lẫn rồi, tỉnh lại đi”, thì không biết sự thể sẽ như thế nào nhỉ?
Tôi đồ rằng ngay cả lúc ấy cũng chỉ có một số ít Đông Ki-sốt xuống ngựa quẳng giáo mà thôi!
Anh than thẩm mĩ của nhà văn ta khác nhau quá. Không giống nhau thì dễ hiểu song có đến mức “người về đỉnh cao người về vực sâu”? Và thẩm mĩ của văn giới hiện ở mức nào so với mặt bằng xã hội hiện nay?
Theo tôi, khác biệt đến một mức nào đó thì còn chấp nhận được, chứ “người đỉnh cao, người vực sâu” như chị nói thì dễ có “vấn đề” lắm. Tôi không muốn nhắc lại những thói xấu như đã nói bên trên đâu. Nhiều khi, chỉ muốn chứng tỏ mình là nhà văn nhớn, nhà văn sang trọng, nhà văn chuyên nghiệp…, là có ông sẵn sàng sổ toẹt ngay thứ văn chương có vẻ bụi bặm giang hồ nhưng đầy sức sống như văn Nguyễn Trí.
4 cuốn sách đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn 2013: Bãi vàng, đá quý, trầm hương - tập truyện ngắn của Nguyễn Trí, Những lớp sóng ngôn từ - tập thơ của Mã Giang Lân, Phút giây huyền diệu - tập tiểu luận và bút ký về nghề văn của Ma Văn Kháng, bản dịch tiểu thuyết Nông dân của Wladyslaw Reymont (Ba Lan) do Nguyễn Văn Thái dịch. Hội đồng văn xuôi (sơ khảo) gồm 9 nhà văn: Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Thái Bá Lợi, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Đình Chính, Tô Hải Vân, Bão Vũ, Sương Nguyệt Minh. Hội đồng chung khảo gồm 9 ủy viên BCH: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Quang Trang, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đức Tiến, Trung Trung Đỉnh và Võ Thị Xuân Hà. |
Theo Tiền phong