Nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, đảo Langkawi được ví như một “hòn ngọc quý” của châu Á với vẻ đẹp quyến rũ, nên thơ mà hiếm có địa danh nào có được. Cùng ghé thăm hòn đảo xinh đẹp này và hiểu hơn về câu chuyện của Langkawi mà bất kỳ du khách nào cũng cảm thấy thích thú khi nghe.
Langkawi được biết đến như một viên ngọc của du lịch bang Kedah, Malaysia. Cách đất liền khoảng 30km từ bờ biển Tây Bắc Malaysia, Langkawi hiện ra rõ nét là một quần đảo gồm 104 hòn đảo (bao gồm 5 hòn đảo chỉ lộ ra khi thủy triều xuống).
Langkawi còn có tên gọi khác là đảo Đại bàng. Người dân ở đây cho biết, tên Langkawi là sự kết hợp giữa hai từ: "Lang" và "Kawi". "Lang" là từ gốc tiếng Malaysia, trong từ helang có nghĩa là đại bàng, còn “Kawi” là loại quặng mangan ở địa phương. Những ngư dân xưa đã nhìn thấy những chú đại bàng cắp đá mangan bay vút lên trời cao nên đã đặt tên cho quần đảo như vậy.
Hơn thế nữa, trong quá khứ, quần đảo này là nơi cư ngụ của vô số đại bàng. Tuy nhiên, cho tới nay, một số đảo ở đây vẫn là nơi cư trú, sinh sống phổ biến của những chú đại bàng - chúa tể của bầu trời này. Có lẽ vì thế mà hình ảnh chim đại bàng trở thành biểu tượng cho nơi này.
Du khách sẽ bắt gặp ngay một bức tượng đại bàng khổng lồ ngay khi vừa đặt chân lên “hòn ngọc quý” này.
Bên cạnh đó, học giả Tun Mohamed Zahir trong một cuốn sách viết về "Những huyền thoại của Langkawi" (The Legends of Langkawi) lại cho rằng, tên Langkawi có gốc từ tiếng Ấn Độ cổ (Sanskrit); trong đó "Langka" là đẹp và "Wi" là vô cùng. Cái tên này cũng phần nào toát lên vẻ đẹp bình dị vốn có của đảo Đại bàng.
Nhưng dù với nguồn gốc tên gọi là gì thì Langkawi vẫn được coi là điểm đến ưa thích, lý tưởng của nhiều du khách thích khám phá thiên nhiên bởi các đảo nhỏ ở Langkawi đều được bảo tồn khá tốt nên rừng còn nguyên sinh với nhiều loại động vật quý hiếm.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, Langkawi được ghi nhận khá sớm trong lịch sử, từ khoảng năm thứ 500. Có một câu chuyện khá thú vị về lịch sử của hòn đảo Langkawi mà những du khách tới đây đều cảm thấy thích thú. Đó là truyền thuyết bi thảm của một phụ nữ trẻ xinh đẹp có tên là Mahsuri đã bị xử tội oan vì bị nghi là ngoại tình. Trước khi chết, Mahsuri đã đặt ra một lời nguyền, đó là liên tiếp trong 7 thế hệ, hòn đảo này luôn có chiến tranh và xung đột.
Langkawi sau khi bị nước Xiêm (Thái Lan) chinh phục, rồi chuyển sang tay người Anh, hòn đảo được trao độc lập ngay sau khi Malaysia được Anh trả lại độc lập và gia nhập khối thịnh vượng chung của Anh.
Ngày nay, những cư dân Langkawi luôn tin rằng, sự thịnh vượng và phước lành các đảo được hưởng ngày hôm nay và lời nguyền không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Những cư dân bản địa xưa đã phải chịu sự vất vả, xa cách của chiến tranh, để rồi những thế hệ kế tiếp mới có được sự an lành, thịnh vượng như bây giờ. Hơn thế, theo họ, vẻ thần bí của truyền thuyết này có thể được cảm nhận ở nhiều nơi trên hòn đảo này, đặc biệt là tại Makam Mahsuri - khu lăng mộ của Mahsuri.
Cùng đón nhận những món quà từ thiên nhiên mang lại cho con người, đó là sóng, gió, cát trắng và ánh nắng ngày hè…
Langkawi có nhiều bãi biển đẹp, trong đó đẹp nhất là bãi biển trên các đảo. Du khách cũng có thể vừa tản bộ trên cát trắng mịn, trải dài bên bờ đại dương xanh thẳm, vừa nghe tiếng gió biển thì thầm trên bãi biển xinh đẹp Tanjung Rhu hay thỏa thích nô đùa với biển với các trò chơi thể thao mạo hiểm như lướt sóng, lặn biển...
Những bãi biển ở Langkawi như Tanjung Rhu được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất trên thế giới.
Du khách cũng đừng quên ghé thăm hòn đảo có hình dáng như một thai phụ nằm chơ vơ giữa đại dương, ở đó có địa danh mang tên Lake of the Pregnant Maiden (tạm dịch: hồ thiếu nữ mang thai).
Truyền thuyết của dân bản xứ kể lại rằng, xưa kia, một nàng tiên nữ vì trót yêu giọng hát ngọt ngào của chàng ngư phủ mà bỏ xuống trần sinh sống. Thượng đế biết được, gọi nàng trở về nhưng nàng vẫn trái lệnh, thế là nàng bị biến thành một hòn đảo nằm chơ vơ giữa đại dương.
Dấu vết còn lại của tình yêu lãng mạn đó là một hồ nước ngọt trên hòn đảo nhỏ này. Giữa biển khơi lại có một hồ nước ngọt trong quanh năm, những người lớn tuổi trên đảo nói rằng, xưa kia quần đảo này từng là căn cứ của những băng cướp biển ngang dọc.
Nhưng phần lớn người dân Malaysia lại tin, nước hồ kia lại mang một vẻ đặc biệt, nó có thể giúp chữa bệnh hiếm muộn. Dù cho loại nước ở hồ này có thực sự chữa bệnh hiếm muộn hay không nhưng các nhà khoa học đã chứng minh được, nước hồ có chứa nhiều nguyên tố kali và kẽm - dưỡng chất cần thiết cho mọi người, đặc biệt là nam giới. Bởi vậy, mà hầu như du khách nào đến đây đều mong muốn mang một ít nước về để làm quà cho người thân.
Theo Tri thức trẻ