Theo VOV, tại làng Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội), nơi sản xuất những chiếc cờ Tổ quốc với nhiều kích cỡ, một số gia đình may cờ cho biết, những ngày này công việc may và thêu cờ trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Có cơ sở sản xuất phải tăng cường toàn lực, có nhà lên đến mấy chục người.
Các chủ buôn cho biết, loại cờ này được hàng nghìn người hâm mộ hỏi tới để cổ vũ cho đội tuyển nước nhà. Đây cũng là mặt hàng được đa số các gia đình treo trong dịp 2/9 nên bán rất chạy.
Chị Nhung, một người thợ có truyền thống may cờ 3 đời tại làng Từ Vân cho biết, cờ may đang trong giai đoạn “vào mùa” hướng tới kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Cơ sở của chị đang tất bật làm hàng nghìn chiếc cờ may để trả hàng cho khách đặt trong dịp này. Thêm nữa, gần đây các chiến thắng của đội tuyển Olympic Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến cờ may trở nên “đắt hàng”.
Bên cạnh đó, các loại cờ thêu cỡ đại cũng đang được đặt làm hàng nghìn chiếc, chủ yếu sử dụng trong các lễ duyệt binh, diễu hành. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người hâm mộ đặt cờ thêu cỡ đại để cổ vũ trên sân vận động.
Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Phục mới thấy hết được sự bận rộn của nghề. Gia đình anh đang tất bật, gấp rút hoàn thành những khâu đoạn cuối cho những đơn hàng.
Anh Phục bảo nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ. Nếu tính nóng nảy, nhanh chán nản sẽ không bám trụ được với nghề. Từ cắt ngôi sao, chỉ may, logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch. Để công việc được chuẩn xác nhất việc cắt, may anh Phục chỉ tiến hành sau khi mọi thông số được xử lý qua máy tính.
Bà Đàm – một cao niên trong làng bảo, nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác. Nghề kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, chắc chắn. Loại vải may lá cờ là vải mua từ làng La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc. Mỗi nhà có một bí quyết riêng. Nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu.
Theo báo Lao động Thủ đô tìm hiểu, từ thế kỷ 16, làng Từ Vân đã nổi tiếng trong và cả ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt. Thời đó, không ít người làng đã lên Hà Nội mở cửa hàng để bán các sản phẩm thêu truyền thống. “Vào ngày 19/8/1945, trong cuộc tổng khởi nghĩa của quân và dân ta, hàng vạn lá cờ của làng Từ Vân đã tung bay ở Thủ đô Hà Nội. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là cái mốc làm nghề may cờ đỏ sao vàng ở Từ Vân” – một cao niên trong làng nhớ lại.
Thuở nghề thịnh, làng Từ Vân còn có hẳn hợp tác xã mang tên Cờ Đỏ, đóng trụ sở ở Hà Nội, bà con trong làng lên làm cờ nhộn nhịp. Khi đó, máy móc và công nghệ chưa phổ biến nên việc thêu cờ hoàn toàn làm thủ công. Khó khăn và thiếu thốn là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian. Mãi sau này, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã bị giải thể, nghề thêu cũng lận đận mọi bề… dù tâm huyết và tiếc nuối nhưng người làng cũng đành xa nghề. Đáng mừng hơn cả, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của thời gian, cho đến nay nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở thôn Từ Vân vẫn được duy trì.
Phong Linh (tổng hợp)