Trên một số tuyến đường ở TP.HCM xuất hiện những xe chở đầy ghẹ xanh được quảng cáo “bao ăn” với giá siêu rẻ, dao động từ 100.000 - 150.000/kg. Các chủ hàng “di động” hải sản giao bán hải sản "ngộp" đã yếu sức trong quá trình vận chuyển do thiếu oxy.
Dọc các tuyến đường quốc lộ 1A ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh tập trung nhiều xe loại ghe xanh với giá siêu rẻ. Chỉ cần bỏ ra 100.000-120.000 đồng là các chị em có thể mua được 1kg ghẹ xanh về chế biến thành món.
Anh Tuấn - chủ xe bán ghẹ trên đường Trường Chinh (Quận 12) chia sẻ trên báo VTC News, ghẹ lấy giá gốc từ một người anh bán hải sản ở Phan Thiết nên được giá rẻ, chỉ 170.000 đồng/kg. “Ghẹ chắc, giá lại rẻ nên mỗi ngày tôi bán được khoảng 30-40kg, có hôm lên đến 60kg chỉ trong vòng 4 tiếng", anh Tuấn hào hứng.
Sang hàng bán ghẹ bên đường, anh Hoàng - chủ xe bán ghẹ trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp cho biết, ghẹ Vũng Tàu có giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg. Cũng theo chủ xe ghẹ này, do vào mùa mưa, lượng ghẹ nhiều, ghẹ lại được lấy buôn tận gốc, không qua trung gian, không mất phí mặt bằng, nhân viên... nên mới có mức giá rẻ như hiện nay.
“Tuy giá rẻ nhưng đảm bảo ghẹ không bị ốp và vẫn giữa được độ tươi vì ghẹ được ướp đá ngay sau khi chết. Nếu ghẹ mua về bị hư, ốp hay bở thịt thì mang ra đây tôi hoàn tiền", anh Hoàng nói.
Trái ngược với giá bán rất rẻ ở lề đường, tại các cửa hàng, ghẹ xanh ngộp có giá 250.000-300.000 đồng một kg. Còn các loại ghẹ sống, giá lên tới 650.000 đồng một kg.
Chị Hoa, chủ cửa hàng hải sản ở chợ An Bình (quận 5) trao đổi với PV Vnexpress, ghẹ xanh loại 1 khoảng 4-5 con một kg được bán giá 650.000 đồng. Loại 2-3, giá thấp nhất cũng lên tới 450.000 đồng. Riêng với loại bị ngộp, giá 300.000 đồng một kg. Còn với loại ghẹ 3 chấm hay ghẹ đỏ thì giá chỉ khoảng 200.000 đồng một kg, loại ngộp có giá 160.000 đồng.
Cũng theo chị Hoa, ghẹ xanh dù có ngộp nhưng giá cũng lên tới 200.000-300.000 đồng một kg. Nhiều chủ xe đẩy bán giá chỉ 90.000-120.000 có thể là ghẹ xanh dạt, chất lượng thấp. Đặc biệt, những ngày gần giữa tháng, chất lượng ghẹ ốp cao nên thường các đầu mối đẩy hàng cho xe đẩy bán với giá rẻ. Nếu ghẹ chết đã lâu, chất dinh dưỡng sẽ giảm bớt, thịt sẽ bở và không ngon, thậm chí hoi.
Ham cua ghẹ giá rẻ có ngày rước họa
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm cho biết trên Kinh tế & Đô thị, thủy hải sản tươi sống bán rải rác trên các tuyến đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất định, có thể nguy hại đến sức khỏe người ăn. Nguyên do là họ bán rong, bảo quản trong thùng nước đá thô sơ khó an toàn với thời tiết mưa nắng thất thường, nên dễ hư hỏng, mà thủy hải sản có những tiêu chuẩn bảo quản rất khắt khe.
Đặc biệt với các loại cua ghẹ đã chết vài giờ, nếu bảo quản đúng cách (xử lý, làm sạch, cấp đông và bảo quản lạnh) vẫn ăn có thể ăn được. Nhưng người tiêu dùng chớ ham cua ghẹ giá rẻ mà có ngày rước họa. Bởi theo PGS. TS Nguyễn Văn Hòa, hải sản tươi sống chứa thành phần dinh dưỡng cao, khả năng kháng khuẩn tốt. Nhưng khi cua ghẹ đã chết vi khuẩn xâm nhập nhanh, độc tố và men phân giải chất đạm hoạt động cũng rất nhanh nên rất nhanh hỏng.
Nếu cua ghẹ đã mất độ tươi sống, bảo quản không đúng cách thì histamine từ không độc sẽ chuyển sang độc, nhẹ thì gây ra dị ứng, ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc, dị ứng hải sản sẽ gây đỏ da, ngứa (chủ yếu ở mặt cổ, ngực, tay nói chung là ở phần trên), nặng hơn có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong.
Vì vậy người tiêu dùng hãy lựa chọn hải sản tươi sống để đem lại giá trị dinh dưỡng cao.
Trúc Chi (tổng hợp)