Năm tháng trôi qua như dòng nước chảy, bao nhiêu thăng trầm, Ngọc Giao cũng đã từng nếm trải. Nhưng trước và sau ngày đất nước giải phóng, nơi đầy đấu đá bon chen chốn Sài thành hoa lệ, trong bốn ông Bầu nổi đình nổi đám, gọc Giao vẫn luôn khẳng định là một nhà tổ chức Đại nhạc hội tầm cỡ nhất.
Ông là người đầu tiên giám đưa quân đi lưu diễn từ Nam ra Bắc bằng đường bộ và cả đường thủy. Và có những lúc, ông Bầu nổi tiếng Sài Gòn này phải cầm đồ, bán cả quần áo để trả lương cho ca sĩ. Ông bảo, đó là chữ tín trong nghiệp làm bầu.
Ông kể: Có lần, tôi đưa đoàn ra tới Quy Nhơn thì gặp phải sự cố ngoài dự đoán, “Không có đất dụng võ”, tiền hết, một số anh em không chịu nổi đã quay về Sài Gòn, còn một sô quyết vẫn bám trụ lại cùng ông bầu sống chết có nhau. Bầu Ngọc Giao cố duy trì hát cầm chừng để đợi liên lạc với Thành phố mời thêm diễn viên.
Sự dẻo dai và sức chịu đựng của con người có đến mấy đi chăng nữa thì cũng có lúc gục ngã. Tiền bạc không còn, nhân viên phải hái trộm đu đủ của nhà hát ăn tạm qua ngày. Ông bầu phải đem xe hơi đi cầm và sau đó không có tiền chuộc nên đành “bỏ của chạy lấy người”.
Nhớ lại chuyến đi năm đó Ngọc Giao ngậm ngùi: “Tôi thương, nhớ các anh em đã không quản vất vả, đói khổ ở lại với tôi ngày đó. Đúng là hoạn nạn mới biết lòng người”. Phải nói, chỉ có Ngọc Giao mới dám làm điều ít ai dám làm. Khi đó, chỉ có 20 người với dàn âm thanh, ánh sáng thô sơ, thế mà ông dám “vuốt râu hùm”, tung hoành khắp các nẻo đường của đất Bắc.
Lại nói về lần đầu tiên đoàn đặt chân lên đất Bắc, ông đã gặp phải rất nhiều sóng gió. Nhờ tên tuổi của bầu Ngọc Giao lúc này đã lan truyền ra tận Hà Nội nên ông được không ít bạn bè trong giới giúp đỡ. Các đêm đoàn Ngọc Giao, rạp Hồng Hà diễn đều bán hết sạch vé từ sớm. Người dân nườm nượp đến xem bởi lối diễn xuất bốc lửa ngùi ngụt, biến hóa linh hoạt.
Tên tuổi được khẳng định, nhiều đơn vị kể cả tư nhân và nhà nước tìm đến đoàn ký hợp đồng diễn xuất. Qua một chặng đường khá dài tính từ khi thành lập đoàn Ngọc Giao, rồi Trường Sơn đến ngày tan rã cũng trải qua 26 năm (1976 -2001).
Làm bầu thì oai lắm nhưng có khi cũng khổ sở, túng quẫn đến cùng cực. Những đêm hát bị thất thu, thua lỗ, bầu Giao phải đứng ra dàn xếp, năn nỉ từng nghệ sĩ xin thông cảm hoặc khất nợ lần sau. Suốt 26 năm, ông bầu Ngọc Giao đã chu du khắp đất nước và gặt hái được những thành công đáng nể nhưng cuộc đời vẫn “ba chìm bảy nổi”.
Biết bao vận đổi sao dời, hỷ nộ ái ố của một kiếp bầu, ông nghiệm lại, thấy buồn nhiều hơn vui, nước mắt hơn là nụ cười. Năm 1977 là một năm nghiệt ngã nhất với danh phận một ông Bầu mang tên hai đoàn hát là Ngọc Giao 1 và Ngọc Giao 2 (vì đông nghệ sĩ quá nên phải chia ra thành hai cơ sở). Nhưng ngay cả thời vang bóng nhất, nghiệp cầm ca vốn dĩ cũng chỉ là kiếp con tằm nhả tơ, cái thăng hoa chỉ trong tích tắc rồi lại quay về với bể khổ trần ai. Nghiệp cầm ca, lang thang, “hò hét” mãi cũng chỉ đủ “lùa cơm vào miệng” nên đời nghệ sĩ Ngọc Giao là cả một chuỗi thăng trầm.
Sự bần cùng của nghề làm bầu chỉ có người trong giới mới hiểu hết. Có lần “quái kiệt” Trần Văn Trạch đã mách cho Ngọc Giao một kế là “nếu giận ai thì đừng nên đánh đập mà nhẹ nhàng xúi nó làm bầu là một cách trả thù tế nhị nhất”. Nghe vậy Ngọc Giao chỉ cười bảo: “Đó chỉ là phút bộc trực của con người chứ các loại bầu bì đều là cái nghiệp. Như gia đình ông bầu “vua” Hoàng Biếu xưa kia, làm bầu suốt cuộc đời, suốt nhiều thế hệ, mà có khi còn phải dỡ mái tôn lợp nhà đem bán lấy tiền mướn xe chuyên chở đội quân đi diễn. Đến nơi, chưa có cơm cho diễn viên ăn, còn phải cầm tạm mấy cái máy âm ly tối diễn chờ lấy tiền bán vé chuộc lại. Còn ông bầu Duy Ngọc, có lúc buồn đời trốn nợ vì thua độ đá gà phải nằm lì trên chiếc ghế rách tả tơi nhà bạn”. |
Hoa Nguyên