Sáng 24/12, Ủy ban Pháp luật đã nghe Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và một số bộ ngành giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Theo bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc thẩm định thông qua thông tư 27 của Bộ Công an (quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7), có căn cứ là hai nghị định 05 và 170. Song, ông Cường thừa nhận, nghị định 05 "ra đời năm 1999, vào thời kỳ việc ban hành văn bản pháp luật chưa nề nếp lắm". Sau đó, nghị định 170 tiếp tục nêu lại nội dung của nghị định 05 nên khi Bộ Công an trình thông tư 27, Bộ Tư pháp đã đồng tình.
CMT ghi tên cha mẹ lên là gây 'phiền toái'.
"Chúng tôi đã nhận khuyết điểm về việc máy móc rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay", ông Cường nói và cho biết thêm, sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo cụ thể về văn bản này.
Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) về đánh giá của hội đồng thẩm định, ông Hà Hùng Cường thừa nhận "câu chuyện thẩm định của Bộ Tư pháp chưa hoàn toàn bảo đảm".
Cũng liên quan mẫu CMND mới, ông Vũ Đức Đam (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho hay, thông tư 27 được Bộ Công an xây dựng nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến nên Chính phủ chỉ giao làm thí điểm, lấy ý kiến rồi mới xem xét tới việc triển khai chính thức.
Trước phiên giải trình, nhiều chuyên gia, quan chức Bộ Tư pháp đã ý kiến phản đối.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn cho rằng, quy định ghi tên cha mẹ vào chứng minh thư sẽ gây "phiền toái” cho trường hợp đặc biệt như thụ tinh nhân tạo và tạo lợi thế cho cá nhân có cha mẹ làm “ông to, bà lớn”.
Vụ trưởng Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất thì khẳng định, quản bằng vân tay như hiện nay là cao nhất rồi, giờ thêm tên cha mẹ vào không giúp gì hơn cho quản lý, lại tạo ra phản cảm cho dân, vi phạm quyền con người.
Hồng Trà (tổng hợp)