Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?

Chủ nhật, 08/12/2024 18:58

Việc hái cà phê chín mang lại lợi ích kép, vừa tăng sản lượng vừa đảm bảo chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh giá cả liên tục tăng cao.

Những nguy hại từ việc hái cà phê xanh

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, với 212.106 ha, hiện đang bước vào giai đoạn thu. Khắp nơi, không khí nhộn nhịp của mùa vụ đang tràn ngập, nhưng cũng không thiếu những lo âu và thách thức.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, đa số người dân trồng cà phê có thói quen thu hái cà phê 2 đợt (thu bói và thu hoạch rộ).

Bên cạnh đó, do diện tích hộ trồng cà phê ít trồng tập trung mà trồng nhiều nơi nên khó bảo vệ sản phẩm và công thu hái trong thời vụ cao. Điều này khiến nhiều hộ dân quyết định thu hoạch cà phê sớm, cho dù vườn cây chín nhiều hay ít.

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?- Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch cà phê.

Anh Lê Văn Hùng, cư trú tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin cho biết gia đình anh đang canh tác 2 sào cà phê. Hiện tại, việc thuê người thu hái cà phê trở nên ngày càng khó khăn và chi phí cao.

Vườn cà phê của anh cách nhà khá xa, khiến việc bảo vệ trước nguy cơ trộm cắp trong lúc giá cà phê tăng cao trở nên căng thẳng. Do đó, cách đây khoảng một tuần, gia đình anh quyết định hái tiệt vườn cà phê, mặc dù chỉ có khoảng 80% quả chín.

Việc thu hái cà phê xanh đã làm giảm đáng kể chất lượng sản phẩm. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH và Thương mại Vương Thành Công (trụ sở tại Tp.Buôn Ma Thuột), nhấn mạnh, việc hái cà phê xanh không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.

Thậm chí về lâu dài, điều này sẽ tác động xấu đến thương hiệu cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?- Ảnh 2.

Nhiều người dân trồng cà phê có thói quen thu hái cà phê 2 đợt gồm thu bói và thu hoạch rộ.

Ông Vương giải thích: "Việc hái cà phê xanh sẽ làm sụt giảm 20% sản lượng so với hái chín. Chất lượng ngành hàng cà phê sẽ không đảm bảo, từ đó thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng".

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất và rang xay, doanh nghiệp của ông Vương đã quyết định tăng giá cà phê hái chín thêm từ 10-12.000 đồng/kg cho các hộ dân liên kết với công ty, so với cà phê hái xanh.

Nhận thấy lợi ích từ việc hái cà phê chín, gia đình anh Phạm Minh Nhật (một nông dân trồng cà phê tại xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã thuê người hái lựa những quả cà phê chín.

"Hái cà phê chín giúp mẫu mã cà phê nhân sau thu hoạch đẹp hơn, trọng lượng cũng đảm bảo hơn. Hơn nữa, nếu 5kg cà phê xanh mới cho 1kg cà phê nhân, thì chỉ cần 4kg cà phê hái chín đã cho 1kg cà phê nhân. Cà phê hái chín cũng đảm bảo chất lượng và hương vị khi rang xay. Chính vì vậy, năm nào gia đình tôi cũng tiến hành hái cà phê làm 3 lần", anh Nhật nói.

Cần tập trung nâng cao chất lượng

Để cà phê phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác giống, biện pháp canh tác, thu hoạch chế biến,...

Từ đó, tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Theo thông tin từ UBND huyện Cư M’gar cho biết, trong niên vụ cà phê 2023-2024, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất cà phê, đã có nhiều doanh nghiệp cà phê trên địa bàn huyện đã đầu tư nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống sân phơi, nhà xưởng, dây chuyền chế biến (ướt, khô), sàn phân loại, máy sấy, kho… theo công nghệ hiện đại để chế biến cà phê hướng tới xuất khẩu.

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?- Ảnh 4.

Việc hái cà phê chín không chỉ giúp tăng sản lượng mà còn đảm bảo chất lượng.

Không riêng gì huyện Cư M’gar, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Bông cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%.

Tương tự, UBND huyện Krông Búk cũng ban hành văn bản hướng dẫn công tác về sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn huyện, giao nhiệm vụ cho các phòng ban liên quan đảm bảo hiệu quả trong công tác này.

Theo đó, công tác thu hoạch cà phê được đa số được người dân thu hoạch quả đảm bảo hạt chín đạt từ 85% trở lên, được phơi sấy đảm bảo chất lượng theo đúng quy trình kỹ thuật hiện hành.

Giá cà phê liên tục tăng cao: Nông dân cần thu hái thế nào để đảm bảo chất lượng?- Ảnh 5.

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất cà phê đã giúp một nông dân ở Đắk Lắk thu lợi "khủng".

Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay cà phê nhân được các doanh nghiệp thu mua để chế biến đều đạt từ 85% hạt chín trở lên, được phơi sấy đảm bảo chất lượng. 

Một số doanh nghiệp chế biến cà phê chất lượng cao sử dụng 100% hạt cà phê chín đều để tạo ra sản phẩm cà phê bột có chất lượng cao, giá trị cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân cũng tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, thu mua đa phần cà phê chín đều trên 90%. Đồng thời, áp dụng theo các tiêu chuẩn quy định và tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu để đáp ứng các điều kiện khi sản phẩm được xuất khẩu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), cho biết thời gian qua giá cà phê liên tục tăng cao. Tuy nhiên, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích vì tổng diện tích cà phê hiện nay của tỉnh đã vượt quy hoạch. Thay vào đó, người dân cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng cà phê.

Để đảm bảo chất lượng cà phê, theo ông Minh cần phải hái cà phê chín và chế biến đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ và tổ chức sản xuất, các hợp tác xã chưa đủ nhiều, chưa đủ mạnh, sự liên kết giữa doanh nghiệp mua cà phê với người dân chặt chẽ nên bà con nông dân cứ thấy lợi đâu làm đó. Vào mùa thu hoạch, giá cà phê cao kích một số hộ dân hái xanh để bán. Do đó, đầu mùa xuất hiện tình trạng hái cà phê tỉ lệ xanh còn cao... Thêm vào đó, việc thiếu sân phơi, thiếu phương tiện sấy cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê.

Trên cơ sở phân tích nói trên, ông Minh cho rằng, cần tổ chức sản xuất cho nông dân, tăng cường các hình thức liên kết sản xuất, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng cà phê, hướng tới phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.