Kết luận mới nhất của cuộc họp OPEC cho thấy nền kinh tế toàn cầu không mạnh như tin tức đưa tin và các ngành công nghiệp trên toàn thế giới vẫn đang nỗ lực phục hồi. Chỉ số PMI ở nhiều nơi tiếp tục cho thấy tín hiệu thu hẹp.
Đó là nhận định trong bài viết mới nhất của ông Daniel Lacalle, Giáo sư kinh tế toàn cầu tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid (Tây Ban Nha), đăng trên tạp chí nghiên cứu Á-Âu Eurasia Review hôm 8/6.
Theo chuyên gia, giá dầu đã suy yếu trong những tuần gần đây bất chấp tình hình chiến sự ở Dải Gaza và rủi ro địa chính trị gia tăng. Trong tuần này, dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế đang giao dịch ở mức 81,62 USD/thùng và dầu WTI ở mức 76,99 USD. Đây là mức tăng 7% so với từ đầu năm đến nay. Theo số liệu mới nhất trong tháng 6, giá tham chiếu trung bình của rổ dầu mỏ OPEC là 83,08 USD.
OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến năm 2025 vì triển vọng nhu cầu vẫn chưa chắc chắn. Các thành viên của nhóm sản xuất dầu nhận thấy rằng giá đồng đã tăng 72% trong 5 năm qua, tăng 22% chỉ trong năm ngoái và có thể lo ngại rằng việc thúc đẩy sản xuất xe điện đang làm dịch chuyển nhu cầu đi nơi khác.
Giá dầu đã hoạt động tốt trong 5 năm qua, nhưng vẫn chưa đạt đến mức mà các nhà sản xuất cho là đủ để cân bằng ngân sách của họ.
“Nếu giá đồng có thể cho chúng ta biết bất cứ điều gì, thì đó là nhu cầu của Trung Quốc và sự phát triển của xe điện là động lực mạnh hơn nhiều so với nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, đây có thể là một cách nhìn nhận sự việc không chính xác”, ông Lacalle cho biết..
Theo vị chuyên gia, giá dầu đã ổn định trên mức 80 USD/thùng (dầu Brent) và rổ OPEC cao hơn mức mà các nhà phân tích cho là mức giá cần thiết để cân bằng ngân sách của các nhà sản xuất. Tất cả các nước sản xuất dầu đang tạo ra lợi nhuận tuyệt vời ở mức này.
Nhu cầu có thể sẽ tiếp tục yếu nhưng đang tăng lên. Hơn nữa, có một điều rõ ràng: dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong nhu cầu năng lượng cơ bản trên toàn cầu. OPEC nên lo lắng về nguồn cung của Mỹ và các nước ngoài “câu lạc bộ” này. Những dự đoán tiêu cực về sự sụp đổ trong sản xuất dầu từ nguồn dầu phi truyền thống đã thất bại.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra rằng sản lượng trung bình hàng ngày vào năm 2024 là 13,12 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng sản lượng 7,1% so với số liệu của năm 2023 và cao hơn 1,4% so với mức cao nhất mọi thời đại trước đó.
Hoạt động sản xuất của Mỹ đã trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hòa vốn ở mức 40 USD/thùng. Ngoài ra, các biện pháp của Nhà Trắng nhằm đặt gánh nặng pháp lý lên sản xuất năng lượng đã thất bại. Trình độ sản xuất của Mỹ mạnh mẽ, bền vững và quan trọng hơn là có thể thích ứng với các rủi ro pháp lý.
Các thành viên OPEC dường như quá lo ngại về chính sách môi trường của các chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, giáo sư Lacalle cho rằng họ không nên sợ hãi quá nhiều.
Theo vị chuyên gia, chính phủ các nước thành viên OPEC có thể không đồng ý, nhưng kế hoạch hóa tập trung không bao giờ có hiệu quả. Cũng giống như việc kế hoạch hoá tập trung không làm cho giá dầu tăng đến mức mà một số người có thể mong muốn, chủ nghĩa can thiệp không đạt được mục tiêu khử cacbon vào năm 2030.
Tin tốt cho các thành viên OPEC là các chính phủ phương Tây đã quyết định thực hiện các chính sách can thiệp và bỏ qua sự cạnh tranh, công nghệ và sự phá hủy mang tính sáng tạo. Như vậy, dầu có thể vẫn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng trong thời gian dài, ông Lacalle nhận định.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta tìm được nguồn thay thế dồi dào cho dầu mỏ, có nguồn cung cấp ổn định, liên tục và có hiệu quả về mặt kinh tế”, vị giáo sư nói.
“Năng lượng mặt trời, gió và khí đốt tự nhiên rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng cạnh tranh, nhưng sẽ không có khả năng thay đổi thực sự nếu thế giới từ bỏ khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân”.
Ông nhấn mạnh, cần hiểu rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không thể đến từ việc cấm các nguồn năng lượng hiệu quả. Nó chỉ có thể đến từ công nghệ và sự cạnh tranh, từ thị trường tự do.
“Chúng ta phải hiểu rằng dầu sẽ tiếp tục là nguồn sản xuất năng lượng chính và nó hoàn toàn tương thích với sự tôn trọng môi trường nếu công nghệ được sử dụng để cải thiện hiệu quả và tính bền vững. Việc bỏ qua các yêu cầu khai thác năng lượng xanh cũng nguy hiểm như quên đi tiềm năng bền vững của việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Thay vì sử dụng hệ tư tưởng để thúc đẩy chính sách năng lượng, chúng ta nên sử dụng công nghệ và thị trường mở”, vị chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo Eurasia Review)