Một trong những thông tin kinh tế gây “sốc” nhất ngày hôm nay chính là việc giá dầu xuống mức âm. Khái niệm kinh tế “giá âm” được hiểu là mức giá khi thị trường bán buôn một mặt hàng (như dầu mỏ) ở tình trạng cung vượt quá cầu.
Kênh truyền hình CNN cho biết nhu cầu dầu mỏ của thế giới là khoảng 100 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đánh sập nhiều nền kinh tế lớn, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm mạnh.
Tình trạng sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu trên phạm vi toàn cầu đã dẫn tới việc làm dư thừa khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ, khiến các kho chứa dầu bị tràn. Về lý thuyết, điều này buộc các nhà sản xuất dầu mỏ phải chi tiền cho khách hàng để họ mua dầu mỏ của mình, qua đó biến dầu mỏ có giá âm (dưới 0 USD/thùng) đối với nhà sản xuất.
Thông tin trên CNN, hàng trăm công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản rất cao vì trước đó hầu hết các đại gia dầu mỏ đều vay nợ lớn. Đợt suy giảm giá dầu lịch sử này có thể sẽ là giọt nước làm tràn ly.
Theo Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản vào cuối năm 2021.
Tổ chức này cũng dự báo, nếu giá dầu duy trì mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phá sản.
"Ở giá 10 USD/thùng, hầu như mọi công ty dầu đang mang nợ của Mỹ sẽ phải đệ đơn phá sản hoặc xem xét các lựa chọn chiến lược", chuyên gia Artem Abramov dự báo.
Không chỉ do hết sạch kho chứa dầu mà hợp đồng dầu thô giao trong tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 21/4 (tức hết đêm nay giờ Việt Nam), khiến các nhà đầu tư đổ xô bán tháo, tạo áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 đã giảm xuống còn 20,43 USD/thùng. Khoảng cách giá giữa hai hợp đồng là lớn nhất từ trước tới nay. Giá dầu Brent cũng giảm 8,9%, xuống còn 25,57 USD/thùng.
Michael Tran, Giám đốc điều hành chiến lược về năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, thì cho rằng rất khó để hạn chế giá dầu xuống mức tệ hơn trong thời gian tới.
Các thị trường dầu mỏ chứng kiến đà sụt giảm mạnh kéo dài nhiều tuần qua do việc nhiều quốc gia áp dụng hàng loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh nhu cầu.
Cuộc khủng hoảng trên càng nghiêm trọng hơn khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+), không thống nhất được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Thực tế, nhìn ra các nền kinh tế thế giới đã thấy dấu hiệu của sự suy yếu đã tồn tại ở khắp nơi. Trước phiên giao dịch ngày 20/4, một số loại dầu ở Texas giao dịch ở mức 2 USD/thùng. Tại châu Á, các doanh nghiệp dầu mỏ cũng không được cho vay thêm vì nỗi lo vỡ nợ.
Tại New York, giá dầu West Texas Middle giao tháng 5 giảm xuống mức -40,32 USD/thùng. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, giá này thấp hơn nhiều so với mức thấp nhất trước đây, kể từ thống kê năm 1946, ngay sau Thế chiến thứ II.
Lê Lan (Tổng hợp)