Giá dầu sụt giảm khi Trung Quốc áp đặt phong tỏa và Mỹ mở kho dự trữ

Giá dầu sụt giảm khi Trung Quốc áp đặt phong tỏa và Mỹ mở kho dự trữ

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Thứ 3, 12/04/2022 09:53

Trung Quốc đang thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất cả nước, làm dấy lên lo ngại sự sụt giảm mức tiêu thụ tác động đến giá dầu.

Giá dầu đã sụt giảm khoảng 4% vào đầu tuần này 11/4, xuống dưới mức 100 USD/thùng, trong bối cảnh nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 và lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Mỹ thông báo giải phóng dự trữ dầu khẩn cấp bổ sung.

Giá dầu Brent, tiêu chuẩn tham chiếu cho hơn 2/3 lượng dầu thô được giao dịch trên toàn cầu, giao dịch thấp hơn 4,17% ở mức 98,49 USD/thùng vào tối qua theo giờ UAE. West Texas Intermediate, thước đo theo dõi dầu thô của Mỹ, cũng giảm 4,08% xuống còn 94,25 USD/thùng.

Giá dầu hiện đã giảm từ mức cao nhất trong vòng 14 năm hồi giữa tháng 3 vừa qua, sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga và Anh cho biết sẽ giảm dần việc mua dầu của Moscow như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine. Kể từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng hơn 25%.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích về thị trường tại Công ty Môi giới tài chính OANDA (Mỹ), nhận định: “Giá dầu đã giảm khoảng 3% trong ngày, với dầu Brent trở lại xuống dưới 100 USD/thùng và chạm mức thấp nhất trong vòng gần 4 tuần”.

Ông Craig Erlam nói thêm: "Đã có một nỗ lực lớn nhằm giảm bớt sức ép đối với thị trường dầu trong những tuần gần đây, điều này đã phát huy tác dụng. Việc phong tỏa ở Trung Quốc đang dẫn đến sự sụt giảm mới nhất. Chính sách zero-Covid của nước này đã tác động làm giảm nhu cầu, hỗ trợ các nỗ lực tái cân bằng”. Ông cho rằng rủi ro tăng giá vẫn còn, “Việc áp đặt các hạn chế trong phạm vi lớn như thế nào và trong thời gian bao lâu sẽ tác động đến tính bền vững và mức độ của sự sụt giảm giá”.

Thế giới - Giá dầu sụt giảm khi Trung Quốc áp đặt phong tỏa và Mỹ mở kho dự trữ

Giắc bơm tại mỏ dầu Belridge, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Trung Quốc đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19, buộc phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt ở thành phố lớn 26 triệu dân Thượng Hải. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm mức tiêu thụ đang tác động đến giá dầu.

Hôm 11/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cảnh báo những diễn biến địa chính trị hiện nay ở châu Âu cùng với đại dịch Covid-19 đã khiến "thị trường cực kỳ biến động" và những "yếu tố phi cơ bản" này nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ông Mohammad Barkindo, Tổng thư ký OPEC, cho biết hôm 11/4 sau cuộc họp chung với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng đang tiếp tục hợp tác với các đối tác ngoài OPEC “để hỗ trợ ổn định thị trường và tăng trưởng kinh tế thông qua các quyết định chung”. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC +) sẽ bổ sung thêm 432.000 thùng dầu thô mỗi ngày vào thị trường trong tháng 5 tới, trong nỗ lực nâng nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong khi đó, 33 quốc gia thành viên IEA đã cam kết giải phóng 120 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp của họ, một nửa đến từ Mỹ và một nửa từ các thành viên khác bao gồm châu Âu, Nhật Bản và Australia. Cam kết 60 triệu thùng đó của Mỹ là một phần trong kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng mỗi ngày trong sáu tháng tới, với tổng số dầu thô lên tới 180 triệu thùng.

Thế giới - Giá dầu sụt giảm khi Trung Quốc áp đặt phong tỏa và Mỹ mở kho dự trữ (Hình 2).

Một công nhân trước máy bơm dầu ở khu tự trị Khanty-Mansi - Yugra. Ảnh: TASS.

Ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng đầu tư UBS, cho biết: “Việc giải phóng dự trữ dầu chiến lược của chính phủ sẽ giảm bớt sự thắt chặt của thị trường trong những tháng tới”. Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS đã hạ dự báo dầu Brent vào tháng 6 xuống còn 115 USD/thùng. Ông Staunovo nhận định việc giải phóng kho dự trữ sẽ không giải quyết được "sự mất cân bằng cơ cấu do nhiều năm thiếu đầu tư" vào ngành dầu mỏ và nhu cầu dầu thô tiếp tục tăng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tổng thư ký OPEC Barkindo cũng nhấn mạnh rằng sự cần thiết của việc đầu tư đầy đủ vào ngành để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Ông nói: “Thị trường năng lượng ổn định và an ninh nguồn cung là những yếu tố quan trọng để thực hiện hóa quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Swissquote, dự báo giá dầu có thể giảm chạm mốc 90 USD/thùng. Tuy nhiên bà Ipek Ozkardeskaya lưu ý: “Rủi ro về sự tăng giá đột ngột vẫn ở mức cao. Do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại và việc giải phóng dự trữ chiến lược của Mỹ là những yếu tố ngắn hạn sẽ không xoa dịu nỗi lo về nguồn cung thắt chặt và xu hướng nhu cầu tăng trong dài hạn”.

Phạm Hà Thanh (theo The National News, CNBC)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.