Căng thẳng địa chính trị đẩy giá dầu tăng cao
Hợp đồng tương lai dầu thô mở cửa phiên giao dịch châu Á vào thứ Hai với mức giá cao hơn sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế đối với xuất khẩu dầu của Nga. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ thực hiện "đánh bom" và áp "thuế thứ cấp" lên Iran nếu nước này không đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Cả hợp đồng tương lai WTI và Brent đều tăng 0,6% khi mở cửa thị trường nhưng sau đó suy giảm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế. Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng trước thời điểm các mức thuế mới của Trump đối với ô tô và các biện pháp thuế đối ứng có hiệu lực vào thứ Tư.
Giá dầu đã tăng khoảng 5% kể từ giữa tháng Ba sau khi Mỹ tấn công các tay súng Houthi – một nhóm quân sự được Iran hậu thuẫn ở Yemen. Nhóm Houthi đã tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ sau khi Israel đáp trả Hamas ở Gaza.
Tuần trước, Tổng thống Trump cũng đe dọa áp thuế 25% đối với các quốc gia mua dầu của Venezuela. Những phát biểu mới nhất của ông vào cuối tuần qua đã tiếp tục tạo áp lực tăng lên giá dầu.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi cho rằng đó là lỗi của Nga (mà có thể không phải) nhưng nếu tôi cho rằng đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế thứ cấp lên dầu, đối với tất cả dầu xuất khẩu từ Nga", Tổng thống Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với NBC News vào Chủ nhật. "Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn không thể làm ăn ở Mỹ…"

Giá dầu đã tăng khoảng 5% kể từ giữa tháng Ba sau khi Mỹ tấn công các tay súng Houthi. (Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg qua Getty Images)
Trong một cuộc phỏng vấn riêng vào thứ Bảy (29/3), Tổng thống Trump đe dọa áp thuế "thứ cấp" và thực hiện "đánh bom" vào Iran nếu nước này không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. "Sẽ có đánh bom. Đó sẽ là cuộc đánh bom chưa từng thấy trước đây".
"Đây hoàn toàn là rủi ro địa chính trị. Cả hai động thái này đều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và tạo ra các tác động dây chuyền có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa", Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com Australia, nhận định.
OPEC có thể tăng sản lượng
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh dự kiến sẽ bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng Tư. Tuy nhiên, các mối đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump đối với các thành viên chủ chốt của OPEC+, bao gồm Nga, Iran và Venezuela, có thể làm giảm nguồn cung của họ, bù đắp cho kế hoạch tăng sản lượng.
OPEC+ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 5/4 để thảo luận về kế hoạch sản lượng trong tương lai. Theo Reuters, nhóm này dự kiến sẽ tiếp tục tăng sản lượng, nâng tổng sản lượng thêm 135.000 thùng/ngày vào tháng Năm. Trong khi đó, một số thành viên sẽ phải cắt giảm sản lượng để bù đắp cho việc sản xuất vượt hạn ngạch, với tổng mức giảm lên tới 4,2 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy, nếu các thành viên tuân thủ đầy đủ kế hoạch, hiệu ứng ròng có thể dẫn đến giảm nguồn cung thay vì tăng. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại BNP Paribas dự đoán mức độ tuân thủ các đợt cắt giảm bù đắp sẽ thấp.
Lo ngại suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu dầu
Bất chấp những rủi ro địa chính trị gia tăng, các mối lo ngại về kinh tế có thể lấn át các yếu tố về nguồn cung. Các đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump đối với Nga và Iran đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể dẫn đến tình trạng đình lạm hoặc thậm chí suy thoái, làm giảm nhu cầu dầu.
Trong phiên giao dịch châu Á vào thứ Hai (31/3), thị trường chứng khoán trên khắp khu vực sụt giảm khi các mức thuế mới của Tổng thống Trump đối với ô tô và hàng hóa đối ứng chuẩn bị có hiệu lực trong tuần này. Giá vàng tiếp tục tăng mạnh, với cả giá giao ngay và giá hợp đồng tương lai đều đạt mức cao mới trong phiên giao dịch sớm. Đồng yen Nhật, một loại tiền tệ trú ẩn an toàn điển hình, cũng tăng mạnh.
Lê Anh (Theo Euronews, AA)