Sắc xanh áp đảo trên bảng giá năng lượng và kim loại. Trong khi đó, nhóm các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp đồng loạt chịu sức ép. Tuy nhiên nhìn chung, lực mua chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày đảo chiều hồi phục 0,55% lên 2.291 điểm.
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá năng lượng
Đóng cửa ngày 10/6, giá dầu lấy lại đà tăng, phục hồi mạnh mẽ lên mức cao nhất 1 tuần qua. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,93% lên 77,74 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,52% lên 81,63 USD/thùng.
MXV cho biết, giá dầu nhận hỗ trợ mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng lên trong mùa di chuyển cao điểm, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung vẫn còn hạn hẹp do chính sách siết van bơm dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Các nhà phân tích dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng vào mùa hè này trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ sẽ khiến thị trường thâm hụt 1,3 triệu thùng/ngày trong quý III, theo một báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs.
Ngân hàng Phố Wall này đã điều chỉnh ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay, thêm 200.000 thùng/ngày lên 1,25 triệu thùng/ngày, trong đó nhấn mạnh về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu bay tích cực.
Goldman Sachs cũng cho rằng giá dầu Brent sẽ được hỗ trợ ở vùng 75 USD/thùng, do nhu cầu dầu thô vật chất, có xu hướng tăng trong bối cảnh giá thấp hơn, bao gồm cả ở Trung Quốc và Mỹ để nạp đầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Vào cuối tuần qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố thêm hai lời mời chào mua cho kho SPR, bao gồm 1,5 triệu thùng để giao vào tháng 9 và thêm 4,5 triệu thùng cho tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Điều này đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Công ty tư vấn năng lượng FGE cũng kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi, với mức giá đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng trong quý III.
Xu hướng cắt giảm sản lượng của OPEC+ ngay trong mùa tiêu thụ cao điểm quý III đã hỗ trợ đáng kể cho giá dầu. Trong khi đó, sản lượng của quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Mỹ được đánh giá có xu hướng giảm trong năm tới, càng nhấn mạnh rủi ro nguồn cung thiếu hụt.
Theo Bloomberg, sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày vào nửa cuối năm 2025, trừ khi số lượng giàn khoan tăng lên rõ rệt. Sự bùng nổ dầu đá phiến đã thúc đẩy Mỹ sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào khác từ trước đến nay, nhưng tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại. Khảo sát cho thấy sản lượng dầu của Mỹ sẽ duy trì ở mức 12 – 13 triệu thùng/ngày trong 6 đến 9 tháng nữa và nếu như số lượng giàn khoan không thực sự tăng trở lại, sản lượng có thể tiếp tục giảm.
Giá bông, cà phê suy yếu
Thị trường cà phê nối dài đà suy yếu từ cuối tuần tước. Đóng cửa, cà phê Arabica hợp đồng tháng 9 giảm 1,29%, cà phê Robusta cùng kỳ hạn đánh mất 1,11% giá trị. Theo MXV, giá cà phê sụt giảm trong ngày hôm qua chủ yếu do lực bán từ Brazil, thay vì các yếu tố cung cầu.
Chỉ số Dollar Index tăng thêm 0,25% trong phiên hôm qua, đẩy tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2023. Việc đồng Real của Brazil tiếp tục mất giá so với đồng USD có thể kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân tại quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới nhằm thu về ngoại tệ. Lượng cà phê đẩy ra thị trường nhiều hơn, giúp củng cố nguồn cung và là yếu tố gây sức ép lên giá.
Cùng với đó, tính đến ngày 4/6, vị thế mua ròng của cà phê đã tăng lên 46.543 hợp đồng. Việc dư mua quá lớn có thể khiến giới đầu cơ trên thị trường tạm thời có những điều chỉnh thiên về lực bán, đặc biệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khả năng cao chưa hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6 này.
Ngoài ra, Brazil vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, bất chấp tình hình thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 không tích cực như những gì đã kỳ vọng trước đó. Chính phủ nước này cho biết, trong tháng 5, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi 243.900 tấn cà phê, tăng 72,87% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung xu hướng, giá bông giảm mạnh gần 3%, về mức thấp nhất trong 20 tháng. Nhu cầu bông Mỹ yếu đi, kết hợp cùng sự mạnh lên của đồng USD gây áp lực kép lên giá. Trong báo cáo xuất khẩu hàng tuần kết thúc ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, lượng bông xuất đi trong tuần giảm lần lượt 9% so với tuần trước và 27% so với mức trung bình 4 tuần gần nhất, về còn 157.000 kiện. Xuất khẩu thấp chủ yếu đến từ doanh số bán hàng giảm trước đó khi nhu cầu yếu đi.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index tăng mạnh trong 2 phiên gần đây, khiến chi phí đầu tư và nắm giữ bông đắt hơn. Điều này cũng đã góp phần hạn chế đáng kể lực mua đối với bông trong phiên hôm qua.
T.M