Những ngày qua, nhiều người dân bày tỏ lo lắng về việc hóa đơn tiền điện đột nhiên tăng cao hơn so với các tháng trước. Bên cạnh đó, dù theo thông báo của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giá điện tăng 8,3% từ ngày 20/3, nhưng hoá đơn tiền điện lại tăng 50% thậm chí gấp đôi.
Lý giải về hoá đơn tiền điện tăng cao, tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, sở dĩ hóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 sẽ cao hơn hóa đơn tiền điện tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày. Trong khi đó, tháng 3 lại có đến 31 ngày, tức là số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 3 sẽ tăng lên 3 ngày.
Nguyên nhân tiếp theo đó chính là giá điện đã được tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 và do nắng nóng kéo dài tại TPHCM trong tháng 3 và tháng 4 khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Để rộng đường dư luận, báo Người Đưa Tin xin đăng tải nguyên văn những phân tích của ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni (TP.HCM) về giá điện.
Giá điện bình quân tăng khoảng 14-16%
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo rằng giá điện tăng 8,3%, nhưng nhiều người dân cho rằng hóa đơn tiền điện của họ đã tăng 50% thậm chí gấp đôi, và có một số bài viết cho rằng gía điện tăng lên đến 50%, 75% tùy theo số điện mình sử dụng. Thật ra thì hai bên nói đến 2 vấn đề khác nhau. EVN nói về giá điện cơ bản, còn dân thì nói về tổng tiền điện.
Tuyên bố của EVN chỉ tăng 8.3% giá điện rõ ràng là sai, cố tính lập lờ, 8.3% là mức tăng của giá điện cơ bản, chứ không phải mức tăng của giá điện bình quân. Trong đợt tăng giá này, EVN "cài cắm" nhiều mức tũy tiến khác, càng tiêu thụ giá càng cao. Nên 8.3% là mức tăng thấp nhất dành cho những hộ dùng tiết kiệm nhất.
Còn những phân tích cho rằng giá điện tăng lên cấp số cộng của 8,3% cũng không đúng. Những hộ bị tăng hơn 30%, 50% hay 100% là vì nhiều lý do: Giá điện tăng, ngày sử dụng dài hơn, và họ cũng sử dụng nhiều kWh hơn, và “bị phạt” vì sử dụng điện nhiều.
Từ dòng trạng thái trước trên facebook, tôi đã nhận được từ bình luận và inbox gần 30 hóa đơn tiền điện tháng này và tháng trước. Tôi tính giá điện bình quân = tiền điện chia cho số kWh, và so sánh giá tiền điện bình quân tháng này so với tháng trước.
Kết quả: Giá điện bình quân tháng này tăng so với giá điện bình quân của tháng trước của tất cả 30 hóa đơn này là khoảng 15%. Tôi phải nói rõ thêm là 30 hoá đơn này không đại diện cho toàn hệ thống.
Muốn biết giá điện bình quân toàn hệ thống tăng chính xác bao nhiêu thì hết năm 2019, EVN lấy tổng tiền điện, chia cho tổng kWh để tính đơn giá bình quân trong 2019 và so sánh với đơn giá bình quân 2018 cũ thì sẽ biết chính xác % tăng là bao nhiêu.
Minh hoạ cách tích giá điện bình quân:
Hoá đơn của khách hàng Nguyễn Ngọc Quang, mã khách hàng: PE...92076,
Hoá đơn tháng 3: Tiêu thụ 308 KWH, số tiền phải trả: 673.088 VNĐ
Hoá đơn tháng 4: Tiêu thụ 441 KWH, số tiền phải trả: 1.131.908 VNĐ.
Số tiền điện của khách hàng này tăng = (1.131.908 - 673.088)/673.088 = 68%.
Nhưng nói giá điện tăng 68% là không đúng.
Chúng ta phải tính giá điện bình quân.
Tháng 3 = 673.088/308 = 2.186 VNĐ/KWH
Tháng 4 = 1.131.908/441 = 2.566 VNĐ/KWH.
Như vậy giá điện bình quân đã tăng từ tháng 3 qua tháng 4 là = (2.566 - 2.186)/2.186 = 17.4%.
Trong trường hợp này, tôi kết luận giá điện bình quân của khách hàng này đã tăng 17.4%.
Có một số bạn lý giải rằng khách hàng sử dụng nhiều quá nên rơi vào hạng mức cao, còn giá của EVN thì chỉ tăng 8.3%. Đồng ý bạn nói đúng.
Nhưng tôi cũng nói đúng khi kết luận rằng giá điện bình quân của khách hàng này từ tháng ba qua tháng 4 đã tăng: 17.4%
Tính tương tự, giá điện bình quân của tổng 30 hoá đơn mà mọi người gửi cho tôi tăng từ tháng 3 qua tháng 4 khoảng 15%.
Tăng giá điện thì ảnh hưởng như thế nào?
Tăng giá điện làm cho túi tiền của người dân nhỏ lại. Giả sử, người dân chi tiêu 10% cho tiền điện. Nay người dân phải chi thêm 15% của 10% đó, tức là họ phải chi tổng cộng 11.5% cho tiền điện. Người dân làm ra 100 đồng, trước đây sau khi trả tiền điện thì còn 90 đồng để tiêu dùng và tiết kiệm, nay trả tiền điện chỉ còn 88.5 đồng. Đã vậy họ phải mua hàng hóa, sản phẩm với giá cao hơn vì doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất. Chưa kể, nhiều mặt hàng, ăn theo giá điện này sẽ ăn theo việc tăng giá điện và tăng giá cao hơn.
Đối với lượng lớn người dân ở mức trung bình, thì sự ảnh hưởng của việc tăng tiền điện này là khá nặng.
Về mặt doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận hoặc khả năng cạnh tranh giảm xuống. Vì thế ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tăng giá điện cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Điện lực Việt Nam hưởng hơn 30.000 tỷ từ vụ tăng giá này
Doanh số điện các năm của EVN như sau:
2015: 240 nghìn tỷ đồng (Nguồn: Báo cáo thường niên EVN 2015)
2016: 272 nghìn tỷ đồng (Nguồn: Báo cáo thường niên EVN 2016)
2017: 290 nghìn tỷ đồng (Nguồn: Thứ trưởng bộ Công Thương công bố)
2018: Chưa công bố.
2019: Nếu chỉ tăng cơ học, thì sẽ có mức doanh số khoản 330 – 340 nghìn tỷ đồng.
Và thêm 15% tăng giá nữa, thì doanh số 2019 sẽ lên đến 375 – 385 nghìn tỷ.
Tóm lại, tôi dự đoán khoản doanh số EVN sẽ hưởng từ việc tăng giá điện này là từ 30.000 tỷ đến 50.000 tỷ. Chứ không đơn thuần ở mức 20.000 tỷ như EVN công bố.
Cách EVN làm là kìm hãm nền kinh tế, là rất sai
Hiện nay, do thiếu điện, EVN đang tính giá điện tăng dần. Càng sử dụng nhiều thì đơn giá càng tăng. EVN làm như vậy nhằm giảm lượng cầu, vì EVN đang thiếu cung.
Chúng ta đang muốn dân giàu. Dân càng giàu thì càng phải được thụ hưởng. Họ phải tiêu thụ điện nhiều. Bắt họ phải trả tiền điện giá cao là đi ngược với cơ chế thị trường và không hợp lý. Muốn phân bổ thu nhập thì đánh thuế vào những mặt hàng cao cấp chứ không phải điện, vốn là hàng hóa thiết yếu, cơ bản. Chúng ta đang muốn tăng trưởng kinh tế, muốn vậy thì các doanh nghiệp phải sản xuất và bán hàng nhiều hơn. Họ cần phải tiêu thụ điện nhiều hơn.
Nếu tìm trên Google cụm từ “Electricity Consumption and Economic Growth”, chúng ta sẽ thấy nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài viết khoa học về sự liên quan mật thiết giữa lượng điện năng tiêu thụ và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Để kinh tế phát triển thì phải tiêu thụ điện năng. Một nghiên cứu của trường đại học Stanford cho rằng: Nền kinh tế không thể tăng tưởng cao hơn sự tăng trưởng của lượng điện năng tiêu thụ. Nói cách khác, nếu Chính phủ đặt chỉ tiêu năm 2019 GDP Việt Nam tăng trưởng 6.7%, thì lượng điện năng tiêu thụ phải tăng cao hơn 6.7%.
Vì thế cách EVN đang làm tăng giá điện để giảm tiêu thụ điện là sai hoàn toàn, là kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Việc mà EVN cần phải làm là tìm mọi cách để tăng lượng cung cấp, với giá cả vừa phải và minh bạch, chứ không phải tăng giá để giảm cầu.
EVN thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành?
EVN nói tăng giá điện để bù lỗ, nhưng theo báo cáo thường niên của EVN, thì kết quả kinh doanh của EVN hàng năm:
2013: 177.850 tỷ, lợi nhuận: 8.500 tỷ
2014: 202,648 tỷ, lợi nhuận: 3,332 tỷ
2015: 240,735 tỷ, lợi nhuận: 3,556 tỷ
2016: 272,703 tỷ, lợi nhuận: 3,526 tỷ
2017: 290,000 tỷ, lợi nhuận: -2,219 tỷ. (Thứ trưởng bộ Công Thương công bố)
2018: Chưa có.
Theo những con số trên thì lợi nhuận của các năm trước hoàn toàn đủ để chi trả cho lỗ năm 2017, 2018, 2019. Tại sao EVN cần phải tăng giá điện bình quân lên khoản 14% - 16%, tức là tăng doanh số lên 30 – 50 nghìn tỷ?
Có phải EVN dùng doanh số, lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc tăng giá điện này để chi trả cho khoản lỗ đầu tư ngoài ngành, còn treo chưa thể hiện trên sổ sách?
Nếu chúng ta tìm trên Google cụm từ “EVN đầu tư ngoài ngành” thì chúng ta sẽ thấy nhiều bài viết, trong đó Thanh tra chính phủ kết luận EVN đầu tư ngoài ngành số tiền khá lớn.
Nhiệm vụ của EVN là đáp ứng điện cho Việt Nam, chứ đâu phải đi đầu tư ngoài ngành?
Nhiệm vụ của EVN là giảm chi phí sản xuất và cung ứng điện đến mức thấp nhất, chứ đâu phải đi đầu tư ngoài ngành?
EVN cần minh bạch thông tin và quản lý hiệu quả để giảm giá điện
Hiện tại EVN, mặc dù là một doanh nghiệp nhận vốn của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó là sản xuất, truyền tải và xuất nhập khẩu điện năng, đảm bảo thực hiện kế hoạch cung cấp điện cho toàn Việt Nam, nhưng tính minh bạch của EVN còn thua xa một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Báo cáo thường niên của EVN chỉ vỏn vẹn 40 trang. Trong khi đó báo cáo của 1 doanh nghiệp doanh số một nghìn tỷ đã hơn 100 trang. Báo cáo thường niên của EVN thiếu nhiều chi tiết quan trọng, thiếu các giải trình chi tiết, thiếu hẳn báo cáo dòng tiền, báo cáo kiểm toán. Đã thế còn rất chậm trễ. Thời điểm này (28/4/2019) vẫn chưa có báo cáo của năm 2017 và 2018.
EVN cần phải báo cáo minh bạch mọi chi tiết liên quan đến giá điện bình quân, như giá thành, chi phí sản xuất, các loại chi phí trực tiếp, gián tiếp khác. Và tất cả con số này phải cầm kiểm toán và thanh tra.
Điều rất lạ lùng, là trong hoàn cảnh này mà Bộ Công Thương xin Quốc hội cơ chế bảo mật giá điện. Đây là một bước thụt lùi và là một cách làm không giống ai trên thế giới.
Theo tôi, quan trọng nhất là chúng ta phải tính cho đúng chi phí giá điện, và quản lý hiệu quả để giảm chi phí giá điện này xuống. Khi chúng ta làm được việc này và minh bạch thông tin thì người dân Việt Nam sẽ sẵn sàng trả tiền cho việc tiêu thụ điện của mình.
Tiến đến không độc quyền
Ở các nước, theo những gì tôi nghiên cứu được, ngành điện có nhiều khâu, trong đó chỉ có duy nhất khâu hệ thống truyền tải điện cần phải được giữ độc quyền vì hai lý do: Một là, an ninh quốc gia. Hai là, hệ thống đòi hỏi đầu tư rất lớn, nên phải độc quyền. Ngoài ra, tất cả những khâu khác: Sản xuất, phân phối, mua điện, bán điện đều không độc quyền.
Nhà nước Việt nam cần nghiên cứu phá vỡ thế độc quyền của EVN thì dân mới đỡ khổ về giá điện, và kinh tế mới có thể phát triển mạnh mẽ, không bị kìm hãm vì thiếu điện.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni (TP.HCM) Lâm Minh Chánh