Giá điện trong ngày ở Đức - thị trường điện lớn nhất châu Âu - chuyển sang mức âm từ 13h đến 15h (giờ địa phương) ngày 4/7, theo dữ liệu từ Epex Spot SE. Ngày 5/7, giá điện dự kiến sẽ giảm xuống dưới 0 tại các phiên giao dịch ở Đức, Đan Mạch và Hà Lan.
Theo Bloomberg, việc sản xuất điện ở châu Âu đôi khi rất khó điều tiết, đặc biệt là khi chính phủ đưa ra các khoản trợ cấp để khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo nhiều hơn.
Năng lượng tái tạo có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nhưng điện năng do chúng tạo ra không thể lưu trữ để sử dụng về sau.
Kết quả là, có quá nhiều điện trên thị trường, nên việc các nhà máy điện trả tiền cho người tiêu dùng để họ sử dụng nhiều điện hơn. Điều này còn rẻ hơn so với việc nhà máy phải đóng cửa trong 1 hoặc 2 giờ.
Và một số sản lượng điện tái tạo - như điện mặt trời áp mái ở Hà Lan - được thanh toán bất kể giá thị trường là bao nhiêu. Những yếu tố đó giúp đẩy giá điện xuống dưới 0.
Nếu không có sự thay đổi đáng kể về nhu cầu, giá điện âm sẽ ngày càng phổ biến. Theo nghiên cứu từ HSBC Holdings Plc, châu Âu sẽ lắp đặt tới 60 gigawatt tấm pin mặt trời mới trong năm 2023, tăng 1/3 so với kỷ lục của năm ngoái.
Trong tháng 5, các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từng dự đoán rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ vượt quá đầu tư cho khai thác dầu mỏ. Cứ mỗi USD đầu tư cho khai thác nhiên liệu hóa thạch thì có gần 1,7 USD được chi cho việc sản sinh năng lượng tái tạo.
Điều đó có thể tạo cơ hội cho người tiêu dùng sử dụng nhiều điện hơn vào giữa ngày để sạc ôtô và điều hành doanh nghiệp vào thời điểm điện rẻ nhất và thân thiện với môi trường nhất.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Dân Trí)