Giá điện tăng bất ngờ, dân không kịp trở tay!

Giá điện tăng bất ngờ, dân không kịp trở tay!

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 04/12/2017 14:35

Hôm nay thông báo tăng giá, ngày mai áp dụng luôn - quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 30/11/2017 khiến người dân và doanh nghiệp chỉ biết than trời!

Người dân... “sốc”

 

Tiêu dùng & Dư luận - Giá điện tăng bất ngờ, dân không kịp trở tay!

Giá điện tăng dần đều từ 2009 đến 2017.

Bà Ngô Thị T., sống trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) bất ngờ biết tin tăng giá điện khi sáng nay đi chợ, giá mặt hàng nào cũng nhích đôi chút và người bán giải thích do giá điện tăng. Bất bình hỏi lại: “Điện tăng khi nào mà các bà đã tăng giá ngay được thế?”, bà T. nhận được câu trả lời: “Tăng từ 1/12, bà không xem thời sự trên tivi à?”.

“Hai ông bà già lương hưu vỏn vẹn 6 triệu đồng, xăng và điện cứ tăng, giá thành mỗi thứ nhích một tí thế này...” – Bà T lẩm nhẩm tính rồi thở dài.

Chị Nguyễn Hồng H. hiện làm công nhân công ty TNHH Eunsung Electronics Vina (khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) cũng đang héo lòng khi nghĩ đến giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá. Chị kể, đang ở trọ với mức điện khoán chủ nhà áp cho là 4.000 đồng/kW. “Ngoài áp lực giá cả sinh hoạt đè lên đồng lương công nhân ít ỏi, tôi còn lo ngại chủ nhà trọ sẽ tăng giá mỗi số điện lên 5.000 đồng, 6.000 đồng khiến cuộc sống càng thêm khó khăn” – Chị H. nói.

Anh Phạm Văn Đ. - Chủ một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản ở quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) - xác nhận, doanh nghiệp của anh phụ thuộc hoàn toàn vào ngành điện, cho nên thông tin rập rình tăng giá điện từ đầu năm đến giờ khiến anh nhấp nhổm không yên.

“Hồi giữa năm, lãnh đạo bộ Công Thương đã phát biểu không tăng giá điện trong năm nay, rồi Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo nếu bắt buộc tăng thì xem xét tăng mức thấp nhất có thể, anh em doanh nghiệp đã yên tâm. Giờ đùng một cái tăng ở mức trung bình (6,08% - PV) và vào dịp cuối năm khi các doanh nghiệp đều chạy doanh thu gấp rút thế này khiến chúng tôi rất khó khăn”, anh Đ. chia sẻ.

Anh Đ. cũng cho biết, việc tăng giá điện 6,08% lần này có thể khiến sản phẩm của anh bị đội giá từ 5 – 10%, không những gây khó cho doanh nghiệp mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu. Trong khi giá xăng cũng vừa tăng mấy trăm đồng một lít xong.

“Xăng dầu và điện năng là hai mặt hàng phụ trợ thiết yếu đối với hầu hết các mặt hàng. Lẽ ra việc điều chỉnh giá cần có lộ trình chứ không phải hôm nay thông báo ngày mai tăng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Ngoài ra, EVN cho rằng họ lỗ gần 600 tỷ đồng trong kinh doanh điện, đòi người dân gánh lỗ là không hợp lý, trong khi các khoản đầu tư khác họ vẫn lãi hơn 2.600 tỷ đồng” – anh Đ. bức xúc.

Chuyên gia cũng... bất ngờ

Chia sẻ tại buổi họp báo của bộ Công Thương chiều 1/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: “Chúng tôi cũng mới biết thông tin tăng giá điện, quả thật hơi bất ngờ. Lẽ ra có kế hoạch từ trước thì mọi người tiếp cận giá điện mới một cách thoải mái hơn”.

 

Tiêu dùng & Dư luận - Giá điện tăng bất ngờ, dân không kịp trở tay! (Hình 2).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tăng giá điện còn nhiều chuyện đáng bàn.

Chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng: “Các đợt trước mỗi lần tăng ngành điện đều có thông báo và đưa ra phương án xin ý kiến công luận, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội đặc biệt là Tổng LĐLĐVN. Đây là vấn đề nhạy cảm. Tại sao lần này lại tăng một cách bất ngờ?”.

Theo ông Long, việc tăng giá điện có hợp lý hay không phải xét trên nhiều góc độ. Đây là ngành độc quyền nên có lỗ hay không, có cần thiết phải tăng hay không, chứ nếu lấy lý do giá điện của ta thấp hơn giá trong khu vực là không đúng.

Cũng không phải vì lý do kinh tế vĩ mô (thu ngân sách, kiểm soát lạm phát...), mà cần xem cơ sở thực tế để tăng giá điện: Nếu yếu tố đầu vào tăng lên do lý do khách quan thì buộc phải tăng lên để ngành điện tồn tại, tái sản xuất mở rộng.

TS. Long cho rằng, lý lẽ mà ngành điện đưa ra là do giá thành hiện nay cao hơn giá bán liệu đã hợp lý. Ví như giá 1.665 đồng/kW/h giá thành, trong khi giá bán là 1.622 đồng. Như vậy so sánh giá bán và giá thành là lỗ. Nhưng ngành điện phải xem xét giá thành đã hợp lý hay chưa? Năng suất lao động đã hợp lý chưa? Ví như hàng điện thương phẩm bán ra là 29.00Mw, nhưng với lượng như vậy lực lượng lao động lên tới 110.000 lao động thì quá lớn. Như vậy là năng suất chưa cao, khiến chi phí tăng lên thì ngành điện cần xem xét.

Về tác động của tăng giá xăng, điện lên đời sống người lao động và sản xuất của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Điện là yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Đối với sản xuất thì dù tăng 1% cũng ảnh hưởng vì đó là chi phí đầu vào, huống gì tăng đến mức 6,08%, nếu tính thêm cả VAT thì lên tới khoảng gần 7%.

Như vậy tăng chi phí thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm. Còn đối với người lao động, khi giá hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay ai cũng phải dùng điện, trong điều kiện thu nhập khác nhau mà có sự tác động khác nhau, nhưng chắc chắn là ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

EVN nói gì?

Nhiều chuyên gia đề nghị phải giải trình minh bạch, thuyết phục lý do tăng giá điện cũng như có lộ trình để doanh nghiệp, người dân có sự chuẩn bị.

Trước đó, theo thông báo của bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân mới được áp dụng là 1.720,65 đồng/kW (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điều chỉnh là từ 01 tháng 12 năm 2017.

Thông tin này đã khiến dư luận “nóng hầm hập” khi hàng loạt câu hỏi đặt ra về tính hợp lý, cơ sở của việc tăng giá điện 6,08%, thời điểm tăng giá cũng như đề nghị làm rõ các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá... Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN công bố thông tin:

Trong năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh. Tuy nhiên, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.661,57 đồng/kWh. Như vậy, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ gần 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do có thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện là 3.251 tỷ đồng, giúp cho EVN lãi 2.658 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ tính đến cuối năm 2016 vẫn lên tới trên 9.500 tỷ đồng. Ông Lâm cho biết khoản lỗ tỷ giá sẽ được phân bổ dần dần nhằm giảm bớt áp lực tăng giá điện, nhưng không giải trình cụ thể khoản lỗ gần 600 tỷ đồng xuất phát do đâu.

Theo ông Lâm, việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là 0,1% và tăng trưởng GDP là 0,166% trong năm 2018. Theo tính toán của bộ Công Thương, giá điện tăng 6,08% sẽ tác động làm cho nhóm kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%, nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp bị tăng 4,97%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá ảnh hưởng không đáng kể.

Giá điện tăng, người dân mất bao nhiêu tiền mỗi tháng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng cục Điều tiết điện lực (bộ Công Thương) cho biết: “Với hộ khách hàng sinh hoạt đang áp dụng 6 biểu giá bậc thang, mỗi thang giá có một mức độ tác động khác nhau. Hộ tiêu thụ 50kW/h mỗi tháng thì tăng 3.250 đồng, tiêu thụ 100kW/h tăng 6.600 đồng, 200kW/h mỗi tháng tăng13.800 đồng, 300kW/h mỗi tháng tăng 23.600 đồng, tiêu thụ 400kW/h tăng 34.800 đồng”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.