Dấu vân tay đã được sử dụng trong hơn 2000 năm. Chúng đã được nghiên cứu rộng rãi bởi các nhà nhân chủng học và nhà sinh học. Dấu vân tay của một người bắt đầu được hình thành vào tuần thứ 13 và kết thúc vào khoảng tuần 19 đến 24 của thai kỳ. Dấu vân tay rất độc đáo, khó thay đổi và tồn tại tương đối bền bỉ trong suốt cuộc đời con người. Tuy nhiên, thật kỳ lạ khi không có vân tay, đương nhiên đó là điều vô cùng hiếm gặp, ấy vậy mà một gia đình ở Bangladesh có 4 đời không có vân tay.
Apu Sarker, 22 tuổi hiện sống cùng gia đình trong một ngôi làng ở phía bắc quận Rajshahi. Anh từng là một trợ lý y tế, còn cha và ông nội anh đều là nông dân. Chia sẻ sự lạ lùng với báo giới, anh xòe lòng bàn tay khoe với phóng viên, bàn tay anh trông không có gì khác thường, nhưng khi nhìn kỹ hơn, có thể thấy bề mặt nhẵn bóng ở các đầu ngón tay.
Đó là một trở ngại lớn vì ở thời đại này, không có dấu vân tay là một bất tiện trong cuộc sống hằng ngày, từ việc đi máy bay cho tới cài mật khẩu điện thoại, thậm chí thẻ căn cước chứng minh thư.
Năm 2008, khi Apu vẫn là một cậu bé, Bangladesh có đợt làm chứng minh thư cho tất cả công dân trưởng thành. Nhưng các nhân viên bối rối không biết làm thế nào để cấp thẻ cho toàn thể gia đình anh bởi chẳng ai có dấu vân tay để "đóng dấu".
Năm 2010, dấu vân tay trở thành yêu cầu bắt buộc với hộ chiếu và bằng lái xe. Sau vài lần nỗ lực, ông Amal đã có được hộ chiếu bằng cách xuất trình giấy chứng nhận của hội đồng y tế. Tuy nhiên, ông Amal và anh Apu không thể có bằng lái xe vì cơ quan có thẩm quyền không chịu cấp giấy chứng nhận cho 2 cha con họ.
Đến năm 2016, chính quyền Bangladesh yêu cầu tất cả công dân cung cấp dấu vân tay để lập cơ sở dữ liệu quốc gia. Họ cũng dựa vào đây để quản lý thẻ sim cho điện thoại di động. "Họ tỏ ra bối rối khi tôi đi mua sim. Phần mềm của họ đóng băng khi tôi đặt ngón tay lên phần cảm biến", Apu cười gượng khi kể lại.
May mắn thay, công nghệ có thể là cứu cánh đối với những người đàn ông trong gia đình Sarker. Ví dụ, anh Apu, anh trai của anh ấy và cha của họ đã có thể nhận được căn cước công dân bằng cách quét võng mạc.
Hiện tượng đột biến gien hiếm gặp này của gia đình Sarker được gọi là Adermatoglyphia. Những trường hợp bị mắc hội chứng này rất hiếm gặp, và chỉ có một vài gia đình trên thế giới được ghi nhận là gặp phải tình trạng trên. Nguyên nhân gây bệnh là do gặp phải những đột biến trên nhiễm sắc thể 4Q22 chịu trách nhiệm mã hóa một loại protein đặc hiệu ở da.
Căn bệnh này còn được gọi là hội chứng "trì hoãn nhập cư" vì việc thiếu dấu vân tay sẽ khiến những người mắc bệnh gặp khó khăn khi di chuyển xuyên các biên giới quốc tế. Cho tới nay, y học mới ghi nhận căn bệnh này ảnh hưởng tới duy nhất 4 gia đình trên toàn thế giới.
Nguyên Anh (Tổng hợp)