Truyền đời chăm sóc xác chết
Cuối hành lang của khoa Giải phẫu là nơi dành chứa những thi hài người hiến xác, phục vụ cho công việc nghiên cứu của các bác sĩ và học tập của sinh viên trường đại học Y dược TP.HCM. Ở đó có một đội tiếp nhận thi hài gồm 8 người, thì trong đó có đến 6 người là người trong gia đình, họ hàng. Kề bên phòng tiếp quản thi hài là một gian phòng nhỏ, là nơi ăn nghỉ của đội trong quãng thời gian làm việc hàng ngày tại đây.
Anh Đỗ Thành Nhân, đội trưởng đội tiếp nhận thi hài của trường đại học Y dược TP.HCM từ tốn nói với chúng tôi về công việc của mình. Sau 15 năm gắn bó với nơi này, có lẽ với anh, chuyện về công việc chăm sóc những xác chết cũng bình thường như bao người khác kể về công việc làm hàng ngày của họ.
Các bộ phận của người hiến xác dành cho việc nghiên cứu và học tập trong trường
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh lấy vợ người Tây Ninh, rồi ở lại đó gắn đời mình với công việc nhà nông, lúc rảnh rỗi anh Đỗ Thành Nhân đi làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập. Thời gian này, cha anh đang làm công việc chăm sóc thi hài của Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM, nay là trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Người cậu ruột của anh đang làm ở phòng tiếp nhận thi hài hiến xác trường đại học Y dược TP.HCM. Năm 1997, do khó tuyển được thêm người vào làm tại phòng, nên cậu anh đã gọi anh từ Tây Ninh xuống làm việc.
Dù mới vào làm, nhưng do trong gia đình có tới 2 người đang theo nghề này, bản thân anh cũng từng là một quân nhân, đã được rèn luyện tinh thần thép theo tác phong quân đội, nên anh không hề có cảm giác sợ hãi khi tiếp xúc với các thi hài. Làm lâu rồi thành quen, quen luôn cả mùi vị đặc trưng của nơi này, các loại hóa chất chuyên dùng để bảo quản thi hài người hiến xác.
Cùng làm chung với anh Nhân, còn có cả anh Đỗ Thành Tài, em ruột anh Nhân đã gắn bó với nghề này 14 năm qua. Trước đây anh theo nghề thợ hồ, công việc bấp bênh không ổn định. Thấy bố và cậu làm nghề này thu nhập tuy không cao, nhưng ổn định, nếu chắt chiu cũng lo được cho gia đình nên anh cũng nối nghiệp gia đình, xin vào làm cùng với anh Nhân.
Mới sinh năm 1990, nhưng anh Đỗ Ngọc Diệp (con trai anh Nhân) cũng đã theo nghề được mấy năm, từng có hơn 100 lần đi nhận thi hài từ các tỉnh chuyển về tại đây. Từ khi còn là một cậu bé con mới học cấp một, anh đã nhiều lần theo bố vào phòng bảo quản thi hài chơi, đôi lần còn phụ giúp mọi người đẩy xe có xác chết, nên với anh chuyện những cái xác cũng không bao giờ trở thành nỗi sợ hãi, gây cản trở công việc. Và chắc chắn, nếu sợ hãi sẽ khiến anh Nhân không thể gắn bó với cái nghề này lâu đến vậy. Anh Đỗ Thành Nhân chia sẻ: "Cái nghề này không phải ai cũng tiếp xúc và gắn bó với nó được. Lúc đầu ở đây có tuyển người vào nhưng một thời gian ngắn là họ bỏ việc. Nên giờ đội tiếp nhận thi hài của chúng tôi 8 người thì có tới 6 người trong gia đình, họ hàng, còn lại là hàng xóm gần nhà tiếp tục công việc này".
Anh Nhân bên tủ bảo quản các phận người hiến xác
Cần chữ tâm để làm bạn với xác chết
Một ngày của những người trong đội tiếp nhận thi hài này bắt đầu từ 6h sáng, và kết thúc vào lúc 15 - 16h chiều, hôm nào phải trực thì ở lại đến 17h. Công việc hàng ngày của các anh là tiếp nhận, bảo quản và chuẩn bị thi hài cho bác sĩ nghiên cứu, sinh viên thực tập. Trước đây khi anh mới vào làm thì thi hài còn ít, vài năm trở lại đây trường đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận khoảng 40 - 50 thi hài người hiến xác mỗi năm. Đồng nghĩa với việc các anh phải đi suốt từ Khánh Hòa đến đất mũi Cà Mau tiếp nhận thi hài của những người đăng ký hiến xác. Khi có tin báo một người hiến xác mất là các anh lên đường, bất kể ngày đêm, mưa gió.
Cũng không ít lần các anh đi rồi về tay không vì chưa kịp đến nơi, thì gia đình đã điện báo thay đổi ý định, không hiến xác nữa. Cũng có những lần phải vào tận những vùng sâu, xa của miền Tây lại gặp mùa nước nổi hoặc trời mưa lớn, các anh phải khiêng thi hài băng đồng, ngồi ghe mới ra được đến nơi đậu xe để chở về thành phố.
Đưa xác về trường, các anh phải ngay lập tức bắt tay vào việc tắm rửa, bơm thuốc bảo quản để giữ cho thi hài được nguyên vẹn. Nhiều khi mệt quá, làm xong các anh ngủ lại ngay tại phòng bảo quản thi thể. Anh Nhân cho biết: "Vậy nhưng 15 năm qua chúng tôi không hề thấy ma bao giờ, cũng không ngại ngần khi tiếp xúc với xác chết hàng ngày. Nhiều em sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ, có khi mới vào phòng thực hành đã ngất xỉu vì sợ hãi. Tiếp xúc với xác chết phải có cái tâm mới làm được, trân trọng và coi họ là những người đang hiến mình cho y học chứ không phải là những thây ma vô hồn".
Anh Đỗ Ngọc Diệp bên bàn làm việc ngay trong phòng bảo quản thi hài
Với mỗi thi hài, các anh bảo quản trong khoảng 3 - 4 năm cho sinh viên thực tập. Trong khoảng thời gian đó, gia đình vẫn có thể tới lui thăm viếng bình thường. Hết khoảng thời gian hiến xác, thi hài sẽ được hỏa táng rồi trả lại cho gia đình. Nếu những thi hài gia đình không nhận lại thì các anh lấy nội tạng ra, còn xương đem bảo quản cho sinh viên thực hành. Hàng năm vào ngày lễ tri ân (ngày do nhà trường và các anh tự chọn) và dịp nghỉ hè, các anh sẽ tổ chức tắm rửa cho các thi hài một lần.
Hàng ngày phải tiếp xúc với thi thể, hóa chất bảo quản, nhưng tiền hỗ trợ độc hại của các thành viên chỉ ở mức 10 ngàn đồng/ngày. Với thâm niên 15 năm, lương của anh Nhân chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, những thành viên khác thì thấp hơn. Với đồng lương này, các anh cũng phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải cho gia đình. Nhưng không một thành viên nào trong đội có ý định tìm cho mình một công việc khác. Bởi họ gắn bó với nghề này không chỉ vì đồng lương cao hay thấp, mà còn vì cha ông họ cũng đã từng gắn bó với nó. Và họ đang tiếp nối một nghề gia truyền cha ông để lại. Thêm nữa, với các anh đây là một công việc mang lại lợi ích cho xã hội, cho sự phát triển của ngành giải phẫu học. Bởi y học không chỉ cần những người tình nguyện hiến xác phục vụ cho y học, mà còn cần cả những người như các anh, thầm lặng với công việc tiếp nhận và bảo quản thi hài người hiến xác, ở một nơi mà người không phận sự sẽ không khi nào muốn đặt chân đến.
Anh Đỗ Thành Nhân đứng lên, tới trước bàn thờ mà các anh lập ngay cửa ra vào phòng bảo quản thi hài thắp thêm một tuần hương. Anh thường bắt đầu ngày làm việc của mình bằng thói quen này suốt mười mấy năm qua, không khi nào bỏ quên. Hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng ấm lòng mà các anh nhận được trong công việc của mình là một đôi lần, lại có người gọi điện tới hỏi thăm, động viên vài ba câu, thế cũng đủ vui trong một ngày quanh quẩn với những bộ xương, những xác người được tẩm trong hóa chất nằm im lìm ở nơi này.
Mong muốn khi mất đi vẫn có ích cho xã hội Sau 15 năm gắn bó với những thi hài người chết, anh Nhân đã tiếp xúc với rất nhiều các thành phần trong xã hội tình nguyện hiến xác. Từ người giàu cho đến người nghèo, từ linh mục cho đến những người chết vô thừa nhận, từ tầng lớp trí thức cho đến người ít học. Ở họ gặp nhau một mục đích chung duy nhất, là mong muốn đến khi mình mất đi, thân xác mình vẫn còn có ích cho xã hội và cho nhiều người khác, thay vì ngay lập tức bị chôn vùi vào lòng đất hoặc tan thành tro bụi. Tâm nguyện của họ, công việc truyền đời của gia đình anh Nhân phải chăng chính là những sự tri ân với cuộc đời. Và lạ thay, họ không gặp gỡ, quen biết nhau khi còn sống, nhưng lại làm bạn cùng nhau ở phòng bảo quản thi hài này mỗi ngày. |
H.L - H.S