“Hơn 20 năm công tác Trường Sa, đón Tết ở nhà tính đầu ngón tay”
Tết đến, ngôi nhà của bà Doãn Thị Oanh (SN 1952), trú xóm 16, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vang lên tiếng dao thớt, khói bốc lên cùng mùi thơm ngậy của thịt lợn. Thế nhưng, khi được hỏi thì mặt bà Oanh đượm buồn bởi người con trai của gia đình năm nay lại phải trực không thể trở về đoàn viên.
Con trai bà là anh Trần Nguyên Hồng (SN 1980) hiện đang công tác tại Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đóng tại đảo Trường Sa. “Vừa tròn 18 tuổi, Hồng viết đơn xin nhập ngũ rồi được điều ra Trường Sa công tác. Đến nay hơn 20 năm trong ngành, cháu được đón Tết ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Oanh cho hay.
Những năm đầu tiên, bà Oanh vô cùng buồn, Tết ăn cũng không ngon bởi luôn lo lắng khi con trai phải ở đảo xa. Thế nhưng, thời gian dần trôi qua, đến nay khi nhận được tin nhắn “Tết này con bận trực, lại lỡ hẹn đón Tết đoàn viên cùng cả gia đình rồi”, thì bà xem đó là chuyện quá đỗi thường tình mỗi dịp Tết.
“Chồng tôi cũng là lính, ông ấy chiến đấu ở Quảng Trị. Sau do bị thương nên được chuyển về miền Bắc điều trị. Hồi còn nhỏ, Hồng thích đi bộ đội để tiếp bước theo bố lắm. Mỗi lần bố về, Hồng lại mang mũ cối ra đội, bận thử quần áo rồi chạy đi khoe khắp mọi người”, bà Oanh kể.
Theo bà Oanh kể, thậm chí vào năm 2011, đáng lẽ anh Hồng được trở về với gia đình đúng dịp Tết. Thế nhưng vào giữa năm thì người bố bất ngờ bị tai biến, mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng từ đó ông phải nằm bất động một chỗ. Khi nghe tin xấu này, anh Hồng lập tức xin đơn vị cắt phép 10 ngày để về chăm bố. Cũng vì vậy mà Tết năm đó anh Hồng lại lỡ hẹn với bữa cơm đoàn viên.
“Những lúc mẹ con gọi điện thoại cho nhau, tôi vẫn thường động viên con rằng, nghiệp con đã chọn, thôi thì ở đâu cũng là người lính, dù đất liền hay đảo xa đều chỉ mong con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững lãnh thổ vùng biển quốc gia thế là mẹ mừng vui lắm rồi. Điều tôi mong là con mãi mạnh khỏe và bình an, thì việc về ăn Tết hay không không còn quan trọng nữa”, bà Oanh nói.
Vừa tự mình lo toan việc Tết, nhưng bà vẫn rất vui vẻ kể, Tết đến được các cơ quan đoàn thể quan tâm, tặng quà động viên, cùng với đó, đồng đội và bà con xóm giềng thường xuyên qua lại, chia sẻ giúp đỡ nên bà cũng vơi đi nỗi nhớ con trai đang ở đảo xa.
“Hồi cuối tháng 12/2019, do có công tác đột xuất nên Hồng được trở về đất liền. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì Hồng mới xin phép chỉ huy cho về thăm nhà mấy phút. Thấy con bước vào mà tôi cứ ngỡ như mơ. Mặc dù mẹ con chỉ trò chuyện có 10 phút nhưng như vậy cũng đủ rồi, như vậy tôi cũng đỡ nhớ con hơn”, bà Oanh chia sẻ.
Hãnh diện khi con ở Trường Sa
Vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển gần 900 năm này còn được biết đến là nơi có nhiều người con đã, đang chiến đấu và bảo vệ vùng biển đảo. Lý giải về việc có nhiều người trong xã làm nhiệm vụ tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, ông Nguyễn Hữu Thường (SN 1956), trú tại xóm 15, xã Phúc Thọ cho rằng đó là truyền thống của quê hương Phúc Thọ, nối nghiệp cha ông để bảo vệ vững chắc quê hương.
Từng có hơn chục năm công tác tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, hơn ai hết, ông Thường thấu hiểu nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, gia đình vẫn luôn thường trực trong lòng người lính đảo. Bởi thế, ông luôn động viên cậu con trai cả Nguyễn Hữu Trung (SN 1981), hiện đang công tác tại Đoàn Kiểm ngư, Bộ Quốc phòng yên tâm công tác.
“Kiểm ngư nên gần như năm nào Trung cũng đón tết lênh đênh ngoài khơi xa. Dù không về quê ăn tết với bố mẹ được, nhưng tôi vẫn luôn tự hào và hãnh diện khi con trai đã tiếp bước mình canh giữ biển trời quê hương”, ông Thường nói.
Theo ông Thường, 19 năm công tác ở Trường Sa, chỉ mới vỏn vẹn 2 năm con trai đón Tết cùng gia đình. Thời gian đầu, vợ chồng ông cũng tâm tư lắm, nhưng vì biển đảo quê hương, vì sự bình yên nơi tiền tiêu Tổ quốc nên cũng lấy đó mà làm niềm an ủi.
Có lẽ, cũng cùng chung suy nghĩ ấy nên những ngày giáp Tết, về những làng quê Phúc Thái Thọ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người bố, mẹ già, những người vợ trẻ đón Tết nhưng không có con, có chồng bên cạnh, song tất cả họ đều vui vẻ, lạc quan. Với những người dân ở xã biển miền Trung này, đã từ lâu quần đảo Trường Sa luôn ở trong tâm khảm, là niềm tự hào, đau đáu yêu thương.
Ông Hoàng Ngọc Luân, Chỉ huy trưởng Ban quân sự xã Phúc Thọ cho hay, địa phương có 25 người là quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại quần đảo Trường Sa, gần 10 người là sĩ quan, chiến sỹ đã nghỉ hưu. Ngoài ra, còn rất nhiều người đã và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Ban chỉ huy quân sự huyện Nghi Lộc thì số liệu thống kê, toàn huyện có hơn 100 cán bộ chiến sĩ hiện đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Số liệu cộng dồn tính từ trước đến nay, trên toàn huyện có hàng nghìn người đã từng và đang làm nhiệm vụ tại các hòn đảo lớn, nhỏ trong cả nước, trong đó, phần lớn tập trung tại quần đảo Trường Sa. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, lãnh đạo địa phương luôn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình cán bộ, chiến sỹ.