Gia đình lung lay vì người lớn 'nghiện' trò chơi… trẻ con

Gia đình lung lay vì người lớn 'nghiện' trò chơi… trẻ con

Thứ 5, 17/10/2013 16:52

Sự việc bị bại lộ khi chồng chị nghi ngờ, cứ tưởng chị có bồ nên theo dõi, ai ngờ lại thấy vợ mình cứ ngồi ôm cái bàn bắn cô tiên. Lúc đầu thấy chị V. chơi trò chơi mê mẩn, chồng chị V. hết sức "sốc" vì không ngờ vợ mình lại mê cái trò trẻ con này như "điếu đổ".

Trước đây, chị Nguyễn Thùy V. (47 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) rất "dị ứng" với các trò chơi trẻ con ở trên mạng hay trong siêu thị. Bởi chị có hai đứa con trai lên 8 lên 10 bị "nghiện" các trò này nên không khi nào chị nhìn tới. Theo lời chị phân trần: "Cách đây hai năm, mỗi lần tôi đi siêu thị là cả thằng lớn và thằng bé nó đòi nằng nặc cho bằng được, không phải đi để ăn uống gì cho cam, nó đi cốt đòi mẹ chơi trò chơi nhảy Au, Câu cá, bắn cô tiên… Mỗi lần như vậy tôi bực lắm, quát tháo ầm ầm, nhưng vì thương con nên tặc lưỡi cho đi một tuần một lần. Ra siêu thị nó ngồi chơi mê say, mắng thế nào cũng không chịu về trừ lúc siêu thị đóng cửa".

Chơi thử, nghiền thật

Thời gian đó chị V. "cơ cực" với hai cậu con trai, hễ cứ đến chủ nhật là chị phải chuẩn bị tiền, rồi đồ ăn sẵn để hai "quý tử" ra "ngồi đồng" ở siêu thị chơi trò chơi. Mắng con mãi không được, nhiều lúc ra chờ để chở con về, chị V. nhìn con chơi và nghĩ: "Trò này hay ho gì mà chơi nhỉ? Sao tụi nó mê mẩn hết thế?". Không những các con chị V. mà theo quan sát thì chị V. thấy nhiều đứa con tầm tuổi con chị V. cũng ngồi đây. Có lúc bọn chúng còn bỏ học để có thời gian ngồi chơi. Trong lúc đợi chờ, chị V. cũng thử mua đồng xu để chơi trò "bắn cô tiên". Luật chơi này rất đơn giản, mua 2 ngàn một đồng xu, bắn được một phát, nếu trúng được cô tiên thì được cộng điểm, sau đó đổi 15 điểm thành một đồng xu và lại được bắn.

Nhưng không phải cô tiên nào cũng dễ bắn, nên cứ mua khoảng cả trăm ngàn mới được "thưởng" một lần bắn, nên mê thì cứ móc tiền túi ra mà chơi. Những đồng xu người chơi thắng cũng chẳng đổi được tiền, nên rút cục là chủ quán ăn hết. Biết thế nhưng chị V. cũng lao vào chơi, để rồi nghiện lúc nào không hay. Chị V. ngại ngùng nói nhỏ vào tai tôi: "Nói chị đừng cười tôi, chứ giờ tôi mê mẩn lắm rồi. Con tôi chỉ chơi vào chủ nhật, còn tôi cứ hở ra là lao vào ngồi, tranh thủ buổi nghỉ trưa, rồi tranh thủ buổi tối, còn chủ nhật thì ngồi cả ngày, chẳng chịu ăn uống gì hết. Chỉ cần được chơi là sướng lắm rồi, giờ cai không được nữa rồi chị ơi, nhưng giấu cả nhà, chẳng ai biết tôi nghiện trò này đâu".

Cũng như chị V. anh Nguyễn Duy K. (54 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) thì tay vừa bắn "cô tiên" vừa nói: "Tôi cũng giống chị V. lần đầu thấy con chơi còn mắng, đi theo dõi con để bắt quả tang chúng và bắt chúng phải học hành, nhưng thấy mấy đứa trẻ chơi bắt mắt quá nên ngồi chơi thử, bây giờ suốt ngày ngồi đây chơi, mất mấy chục triệu rồi mà chẳng được gì, nhưng lại khó bỏ quá, đã bao lần cai rồi mà không được".

Xã hội - Gia đình lung lay vì người lớn 'nghiện' trò chơi… trẻ con

Chị V., anh K. hai người dù đang giai đoạn "cai" vẫn mê mẩn chơi.

Còn ông Trương Công H. (67 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) thì tìm đến trò chơi thiếu nhi vì buồn. Trong nhà con cái đi làm hết, các cháu thì tuổi cũng đã lớn, chúng có niềm vui và bạn bè riêng. Ông H. về hưu thì vợ vừa mất, quá hụt hẫng nên ông thường la cà ra các siêu thị, thấy bọn trẻ con chơi trò chơi, lúc đầu ông chỉ nhìn xem chúng chơi như thế nào. Qua một thời gian ông H. chơi thử và bây giờ "nghiền" luôn. Ông cười ngại ngần: "Cháu đừng hỏi mà ông ngại, nhiều khi đầu mình tóc bạc trắng rồi mà ngồi chơi với bọn trẻ con cũng mắc cỡ, nhưng buồn quá, con cháu đi làm ăn hết, ông một thân một mình với ngôi nhà rộng mênh mông, nên cứ đi chơi từ 8h đến khi siêu thị đóng cửa mới thôi. Lâu lâu cho mình ít tiền bồi dưỡng nhưng mê chơi nên chỉ dốc tiền vào chơi thôi, giờ thì cứ mở mắt ra là muốn lao vào trò chơi chứ chẳng muốn ở nhà".

Những nụ cười buồn phía sau trò chơi

Chị V. cho biết, chị làm kế toán trong một công ty Nhà nước, công việc cũng không đến nỗi nào. Nhưng từ ngày mê trò chơi chị sao nhãng việc làm, những con số không làm chị mê mẩn nữa, mà trò chơi bắn cô tiên cứ lởn vởn quanh đầu chị. Nhiều giấy tờ sổ sách vào tay chị đã không còn hoàn hảo như trước. Còn chuyện cơm nước cho chồng con thì hầu như chị bỏ bê hẳn. Chồng chị là người hiền lành, lại thương yêu tin tưởng chị nên chị nói gì cũng tin. Từ ngày mê trò chơi chị V. cứ nói dối là phải ở lại làm thêm. Lúc đầu cả gia đình chị đều lo lắng cho sức khỏe chị V., vì không hiểu sao công ty tự nhiên lại bắt làm đến 9h tối, thứ 7 và chủ nhật không được nghỉ như ngày trước.

Nhưng sự việc bị bại lộ khi chồng chị nghi ngờ, cứ tưởng chị có bồ nên theo dõi, ai ngờ lại thấy vợ mình cứ ngồi ôm cái bàn bắn cô tiên. Lúc đầu thấy chị V. chơi trò chơi mê mẩn, chồng chị V. hết sức "sốc" vì không ngờ vợ mình lại mê cái trò trẻ con này như "điếu đổ". Sau chồng chị khuyên đừng chơi nữa, để thời gian chăm sóc con. Chị V. hứa bao nhiêu lần nhưng cũng không thực hiện được, nên vợ chồng cãi nhau và có lúc lên đến đỉnh điểm là đòi ly hôn. Lúc cầm lá đơn của chồng chị V. đã hoảng hồn, chị khóc lóc xin chồng tha thứ và cho "cai" dần dần, chứ bắt chị bỏ một lúc thì không thể được. Bây giờ chồng chị V. ra nguyên tắc là chị V. phải giảm dần giờ chơi, khi nào đi chơi phải có chồng "kè kè" bên cạnh, chồng bấm giờ bảo về là về. Chị V. phân trần: "Tôi cũng biết là tôi đã sai, nhưng để bỏ thói quen này cũng khó, nên từ từ tôi sẽ cố gắng bỏ, chị đừng tìm hiểu các trò chơi này làm gì, nghiền thì chết đó".

Còn anh K. cũng buồn không kém: "Tôi làm nghề buôn bán tự do, nhưng từ khi mê trò chơi này tôi bỏ bê cửa hàng, một mình vợ tôi xoay xở không được, hàng ế, khách hàng bỏ đi hết nên kinh tế ngày một sa sút. Vợ tôi thì mấy lần đe ly hôn nếu tôi cứ mê mãi chơi trò này. Cô ấy còn bảo sao tôi chẳng mê gái, chẳng ham nhậu nhẹt mà ham cái trò dở hơi này, đốt bao công sức và tiền bạc lại chẳng lo làm ăn gì hết. Tôi đã hứa với vợ là bỏ dần, mà cũng khó quá". Không còn vợ nên chẳng ai "dọa" bỏ, nhưng ông H. lại bị bệnh đau dạ dày vì ăn uống thất thường, nên con cái ông cấm tiệt không cho ông chơi nữa. Từ khi biết ông mê trò chơi này các con ông đã đóng cửa lại, không cho ông ra khỏi nhà.                    

Nên dứt khoát từ chối chơi ngay từ đầu

Theo chuyên gia tâm lý Trương Kim Khanh (tổng đài 1080) thì việc những trò chơi trẻ con hiện nay người lớn "nghiền" chẳng có gì lạ. Bởi theo tâm lý nhất định thì dù người lớn hay trẻ con đều có trí tò mò khám phá, thường bị hút bởi các trò chơi lạ, nắm bắt được tâm lý này nên nhiều công ty đã nghĩ ra cách "câu" được khách hàng bằng ý tưởng sáng tạo trò chơi. Và dù là trò chơi trẻ con nhưng hấp dẫn thì người lớn vẫn mê. Vì vậy chúng ta nên từ chối trò chơi đó ngay từ đầu, hoặc thật mạnh mẽ để chỉ dùng nó xả stress chứ không để lao vào đam mê, sẽ khó lòng dứt ra được.  

Tô Hương Sen

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.