Bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa chạy
Anh Trần Quang Minh (SN 1971) đang sống tại tổ 1, khối 5, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cùng với vợ tên Huỳnh Thị Oanh, mẹ ruột và 4 người con. Anh Minh từng rất khỏe mạnh và là trụ cột của gia đình, cho đến khi phát hiện bị ung thư ác tính K thực quản.
Lúc anh Minh có những biểu hiện như ăn vào bị ói, không ăn được, chị Oanh chỉ nghĩ là chồng mình bị đau dạ dày, nên đi lấy thuốc đau dạ dày cho anh.Thế nhưng, tình trạng vẫn không thuyên giảm. Nghi ngờ anh bị bệnh nặng, chị đưa anh qua bệnh viện huyện Krông Năng khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư thưc quản. Sau đó, anh Minh được chuyển lên bệnh viện tỉnh và rồi đến bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Chị Oanh chia sẻ: “Lúc mới phát hiện ra bệnh, anh Minh không chịu đi khám vì sợ tốn tiền, anh bảo đợi đến mùa cà phê có tiền rồi đi sau, nhưng tôi bảo anh cứ khám đi chuyện tiền lo sau. Khi khám đợt 1 xong, tôi không dám nói với anh tiền khám hết 1 triệu đồng mà chỉ nói hết 350.000 đồng để anh yên tâm chữa trị”.
Đã 9 tháng kể từ khi mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo, không thể ăn uống bình thường nên anh Minh giảm hơn 10kg. Để có tiền chạy chữa cho anh Minh, chị Oanh đã vay tiền khắp nơi, bán cả cà phê còn non, thế chấp luôn sổ đỏ cho ngân hàng. Thế nhưng, cho đến nay, bệnh tình của anh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Mỗi ngày, thức ăn của anh Minh là bột (gạo, mè đen, đậu nành, đậu đen) được chị Oanh chuẩn bị sẵn ở nhà. Về phần mình, chị Oanh phải xin thức ăn từ thiện của bệnh viện hoặc xin thức ăn từ chùa ở cạnh bệnh viện. Chị phải dành dụm từng đồng để chạy chữa cho anh Minh.
Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Ngoài việc điều trị bệnh ung thư ác tính K thực quản cho anh Minh, chị Oanh còn phải lo cho mẹ chồng già yếu ở nhà. Mẹ chồng của chị đã 90 tuổi và đang gặp vấn đề về mắt khi một bên mắt bị hư, còn một mắt thì mới mổ. Tuổi già sức yếu cộng với việc ốm đau triền miên cũng khiến gia đình chị tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ để chăm sóc và chạy chữa cho bà.
Ngoài đứa con trai đầu bị mất do bị ung thư dạ dày, chị Oanh còn 4 người con khác, 2 người đã lập gia đình, còn 2 người con đang còn đi học. “Con gái của chị đang học lớp 7. Thấy hoàn cảnh gia đình như thế, con bé nói với chị là học hết lớp 7 mà không có tiền đóng học thì sẽ nghỉ học. Nghe vậy, chị thương con mà chưa biết tính sao”, chị Oanh ngậm ngùi chia sẻ.
Trong thời gian điều trị ở TP.HCM, anh Minh không muốn vợ đi cùng, anh muốn chị Oanh chuyên tâm quán xuyến việc nhà. Thế nhưng, chị lại không yên tâm khi mỗi lần anh vào thuốc xong lại nôn mửa. Vậy nên, cứ chưa đầy một tháng, hai anh chị lại cùng nhau xuống bệnh viện Ung Bướu để lấy thuốc và vào thuốc cho anh.
Sau khi mổ thực quản, anh Minh và chị Oanh còn được ở nội trú nhưng khi vết mổ đã lành, cả hai phải ngủ ở ngoài thềm bệnh viện. Bởi vì, bệnh viện quá đông bệnh nhân nên không cho anh chị ở lâu được.
Chị Oanh cũng đã nghĩ tới việc bán luôn đất ở trên Đắk Lắk để có tiền tiếp tục chạy chữa cho anh Minh.
Trao đổi với PV, anh Võ Tròn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi anh chị Minh đang sinh sống cho biết: “Hoàn cảnh của anh Minh không phải là hoàn cảnh khó khăn nữa mà là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ của anh Minh già yếu mà gia đình còn có thêm 2 người bị bệnh ung thư nên rất khó khăn”.
Anh Minh đang chuẩn bị nhận đợt vào thuốc tiếp theo nên chị Oanh tiếp tục đi vay mượn để có tiền chữa bệnh cho chồng. Chị vừa nói, vừa nghẹn ngào: “Phải chữa đến khi nào mà không chữa được nữa thì thôi, bán đất bán nhà cũng phải chữa".
Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về: Chị Trần Thị Kim Cúc (con chị Huỳnh Thị Oanh) Địa chỉ: Tổ 1, khối 5, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. SĐT: 01626813443 STK: 004543290001 ngân hàng Liên Việt, chi nhánh huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Hoặc: Báo điện tử Người Đưa Tin, tầng 4, toà nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số tài khoản: 19129185908996, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; chủ tài khoản: Báo điện tử Người Đưa Tin. |