Gia cảnh bần hàn của tài xế container
Anh Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Ngay từ nhỏ, cuộc sống của anh đã vắng bóng dáng của người cha. Bà Nguyễn Thị Thực (SN 1960, mẹ anh Hoàng) quen biết và có tình cảm với ông Lê Doãn Hiền. Nhưng rồi mối quan hệ của ông bà tan vỡ và chia tay. Cái thai trong bụng bà Thực ngày một lớn dần, ông Hiền cũng đã tìm được duyên mới. Ngày anh Hoàng sinh ra, một mình bà Thực cặm cụi nuôi con khôn lớn. Đến khi anh Hoàng lên 5 tuổi, bà Thực được một người đàn ông cùng xóm thông cảm và đem lòng thương yêu. Thế rồi bà Thực cũng chấp thuận đi bước nữa. Hai ông bà sau này có thêm với nhau 2 người con gái. Ở quê chỉ có mấy sào ruộng, gia đình bà Thực 5 miệng ăn chẳng đủ, phải làm thêm nhiều thứ nghề khác nhau để trang trải cuộc sống.
Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chỉ học xong bậc phổ thông, anh Hoàng đăng ký nghĩa vụ quân sự và đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, với 2 bàn tay trắng, anh đi theo một người bạn ở xã Hồng Châu, cùng huyện Đông Hưng để phụ bạn lái xe.
Đến năm 2009, anh Hoàng vay mượn tiền của bạn và đi học lái xe container. Cuối năm 2011, anh lập gia đình và đến nay vợ chồng anh đã có với nhau 2 bé trai kháu khỉnh. Sau nhiều năm vợ chồng anh ở trong ngôi nhà của bố mẹ đẻ chật chội, được sự giúp đỡ của gia đình nhà vợ, vợ chồng anh Hoàng cũng mua lại được một ngôi nhà nhỏ của một người dân cùng thôn Cộng Hòa.
Thấy việc đi lái xe thuê mãi cũng vất vả, cuối 2015, anh Hoàng đánh liều cầm cắm ngôi nhà mà vợ chồng con cái đang sinh hoạt và vay mượn anh em, bạn bè để mua trả góp một xe đầu kéo container trị giá 1,3 tỷ đồng để đi chở hàng.
Mua được xe đầu kéo, anh Hoàng rất vui mừng vì từ nay ước mơ sở hữu một chiếc xe để có thể sinh lợi cho gia đình đã hoàn thành. Ngày ngày, anh Hoàng đi lái xe chở hàng theo hợp đồng, còn vợ anh là chị Vũ Thị Thúy (SN 1988) hàng ngày đi làm nhân viên tiếp thị sản phẩm bánh kẹo cho một công ty trên địa bàn huyện Đông Hưng.
Cho đến trước khi xảy ra vụ tai nạn, anh đã trả được tổng cộng khoảng 500 triệu đồng tiền xe.
“Con tôi đã từng tự tử bất thành trong trại giam”
Những tưởng cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua, vợ chồng cặm cụi làm lụng nuôi con cái ăn học, nhưng tai họa đã bất ngờ giáng xuống đầu gia đình anh Hoàng.
Một ngày cuối năm 2016, anh Hoàng đang lái xe container chở hàng trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, khi đi đến nút giao Yên Bình (thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), xe container của anh Hoàng đã va chạm với một xe Toyota Innova có 10 người trên xe.
Hậu quả của vụ tai nạn là vô cùng nghiêm trọng: 6 người trên xe Innova đã thương vong, trong đó có 4 người chết, 2 người bị thương, 2 phương tiện bị hư hỏng nặng nề.
Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do tài xế xe Innova Ngô Văn Sơn khi đi đến nút giao này đã chạy quá đường, tài xế sau đó đã điều khiển phương tiện chạy lùi và tông vào xe container do anh Hoàng điều khiển.
Phiên xử sơ thẩm tại TAND thị xã Phổ Yên, tòa tuyên Ngô Văn Sơn 10 năm tù và Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về dân sự, tòa buộc Sơn bồi thường hơn 700 triệu đồng, buộc Hoàng bồi thường gần 500 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 bị cáo và đại diện gia đình các nạn nhân cùng kháng án.
Tại phiên xử phúc thẩm, tòa tuyên Ngô Văn Sơn 9 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù, mức bồi thường dân sự cho các nạn nhân được giữ nguyên.
“Tại phiên tòa phúc thẩm, con tôi liên tục kêu oan nhưng không được hội đồng xét xử chấp nhận. Vì điều kiện đường sá xa xôi, hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn nên trong thời gian bị tạm giam gần 2 năm, gia đình tôi thỉnh thoảng mới lên thăm nom con.
Tại tòa, tôi mới được biết con tôi đã có lần vì uất ức trước bản án mà tự tử trong trại giam nhưng sau đó đã được giám thị trại giam phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu”, bà Thực cho biết.
Vẫn mong chờ sự sáng suốt của các cơ quan thực thi pháp luật
Vẫn theo bà Thực, từ ngày anh Hoàng ở tù, cuộc sống của gia đình anh đã khó khăn lại càng thêm vất vả gấp bội phần.
Bà Thực buồn rầu: “Tôi có gì nói thế, chẳng phải kể lể nhưng gia đình tôi khổ cực thì cả cái làng này biết. Vợ thằng Hoàng bây giờ một nách 2 con, nó chẳng thể cáng đáng nổi. Cháu lớn 6 tuổi thì gửi ông bà ngoại trông nom. Còn đứa nhỏ 4 tuổi thì chúng tôi trông nom, vợ Hoàng nó cũng phải hàng ngày bươn chải để kiếm miếng cơm manh áo cho các con nó. Anh đến lúc này là tôi còn có nhà, chứ đến muộn một tý là tôi cũng đang ở đồng mò cua bắt ốc cùng chồng rồi”.
Mọi người trong gia đình bà Thực dù rất buồn trước 2 phiên xử của tòa nhưng bà luôn một mực cảm ơn anh em tài xế từ Bắc vào Nam đã hết lòng ủng hộ về vật chất, tinh thần và tình cảm để gia đình bà vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Hôm xử phúc thẩm, các tài xế đến dự tòa đông nghịt, họ bày tỏ quan điểm ủng hộ con tôi và bất bình trước bản án tòa tuyên. Gia đình tôi từ đó cũng cảm thấy ấm lòng và tự tin trên con đường đi tìm công lý cho con”, bà Thực nhớ lại.
Khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng, gia đình bà Thực chỉ có một mong ước duy nhất: Cần một bản án công tâm để Hoàng sớm trở về với vòng tay yêu thương của gia đình.