Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguyễn Thị Thu Hương

Thứ 7, 22/02/2025 12:22

Nhiều nhà đầu tư từng kỳ vọng Pi Network sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi giá trị Pi lao dốc không phanh sau niêm yết.

Được ăn cả, ngã về không

Sau nhiều năm gây tranh cãi, ngày 20/2, Pi Network chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch, đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với dự án này. Tuy nhiên, ngay sau khi lên sàn, đồng Pi đã trải qua những biến động mạnh về giá, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Trước thời điểm niêm yết, trên thị trường OTC (giao dịch phi tập trung), Pi từng được mua bán với mức giá dao động từ 40.000 - 60.000 đồng mỗi đồng. Khi chính thức giao dịch trên sàn, giá Pi mở đầu ở mức 2 USD, có lúc vọt lên hơn 3 USD nhưng nhanh chóng sụt xuống còn 0,79 USD. Đến thời điểm chiều 21/2, trên OKX, giá Pi tiếp tục thụt lùi khi giao dịch ở khoảng 0,66 USD.

Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá đồng Pi từ khi niêm yết (Ảnh: OKX).

Sự biến động liên tục này phần nào phản ánh tâm lý hoang mang của nhà đầu tư, đặc biệt là những người đã gom Pi trước đó với giá cao.

Cộng đồng Pi Network tại Việt Nam lập tức trở nên sôi động. Trên các hội nhóm lớn như "Pi Network Việt Nam" (388.000 thành viên), "Hội mua bán trao đổi Pi Network" (464.000 thành viên)... hàng trăm bài viết thảo luận về việc mua bán, giữ hay bán tháo Pi xuất hiện.

Từng kỳ vọng đồng Pi sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi giá trị Pi lao dốc không phanh.

Anh Đ.H., một người đã "đào" Pi từ năm 2021, chia sẻ: "Tôi đã dành hơn 3 năm bấm điểm danh mỗi ngày, tin rằng khi Pi lên sàn sẽ đổi đời. Trước niêm yết, trên chợ đen Pi có giá 50.000 đồng, có lúc lên đến 60.000 đồng một Pi.

Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 2.
Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 3.
Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 4.
Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 5.

Cộng đồng Pi Network tại Việt Nam sôi nổi thảo luận sau khi đồng tiền này được niêm yết.

Tôi gom thêm gần 1.000 Pi từ người khác với giá này, nghĩ rằng đây là cơ hội hiếm có. Ai ngờ khi lên sàn, Pi chỉ có giá hơn 2 USD, rồi lao xuống dưới 1 USD. Tính ra tôi đã mất gần 80% số tiền bỏ ra chỉ trong một ngày", anh H. nói.

Trong khi đó, chị G.L., một người đã đào Pi được 5 năm chia sẻ, chị từng mất tất cả vào năm 2021. "Nếu không biết đầu tư thì đừng nên tham gia, kẻo bán nhà như chơi", chị L. bộc bạch. Tuy nhiên, mang tâm lý ngã ở đâu đứng lên ở đó, thời điểm hiện tại, chị L. vẫn đang tiếp tục đầu tư thời gian, công sức vào đồng Pi và thu về khoảng 1.800 USD.

Thời điểm hiện tại, chị L. vừa thu mua Pi từ người khác để bán lướt, vừa chờ giá Pi tiếp tục giảm sâu để gom hàng. Chị L. cho rằng, thời điểm mới lên sàn thì việc giá giảm là bình thường do tâm lý chốt lời sớm của nhiều người nắm giữ, cộng với việc thị trường còn hoang mang về tính thanh khoản của Pi Network.

Đồng quan điểm với chị L., chị L.T.T. khá kiên định rằng không nên "xả" hàng trong lúc này vì tin rằng sắp tới sẽ có đợt điều chỉnh giá mới. "Dân đào Pi sáu năm kiên trì không ai thoát hàng với mức giá như hiện tại cả. Được ăn cả, ngã về không, cố mà gồng", chị T. nói.

"Trên trời rơi xuống chỉ có nước mưa"

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ những đứng ngoài cuộc lại tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Trên các diễn đàn tài chính, nhiều người mỉa mai rằng "Trên trời rơi xuống chỉ có nước mưa". Họ cho rằng việc "đào Pi miễn phí" từ trước đến nay giống như một trò chơi tâm lý, nuôi dưỡng hy vọng viển vông về sự giàu có không cần lao động.

Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 6.
Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 7.

Nhiều người bày tỏ không tin tưởng vào đồng Pi.

Ra mắt từ năm 2019, Pi Network thu hút sự chú ý lớn tại Việt Nam từ đầu năm 2021 nhờ cơ chế "đào" miễn phí trên ứng dụng điện thoại. Người dùng chỉ cần điểm danh hàng ngày để tích lũy Pi, không cần đầu tư thiết bị đắt đỏ như Bitcoin. Tuy nhiên, dự án này cũng vấp phải nhiều tranh cãi về tính minh bạch, pháp lý và giá trị thực tế.

Mới đây, khi chính thức niêm yết trên sàn OKX, Pi Network lại bị đưa vào chế độ "niêm yết cô lập" (Isolated Listing Mode), theo yêu cầu từ chính đội ngũ phát triển dự án. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng tại một số quốc gia và khu vực không thể nạp hoặc giao dịch Pi trên sàn, gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng nhà đầu tư.

Chế độ niêm yết cô lập thường được áp dụng cho các token có rủi ro cao về mặt pháp lý hoặc thanh khoản.

Khi bị niêm yết theo cơ chế này, đồng tiền có thể bị giới hạn ở một số cặp giao dịch, thậm chí không thể rút về ví cá nhân trong giai đoạn đầu. Điều này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch của Pi Netwwork.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thu Trang - CFO Công ty CP Việt Wealth Management (Tổ chức tư vấn, quản lý Tài chính) nhận định, trong bối cảnh số hóa như hiện nay, tiền ảo đang trở thành xu hướng toàn cầu, phù hợp với sự phát triển, vận động kinh tế.

Cơ hội mà tiền ảo mang lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất lớn, lợi nhuận tốt trong khi lại không phải tốn nhiều chi phí và nguồn lực như kênh đầu tư truyền thông.

Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng, lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn. Một rủi ro ở tiền ảo có thể thấy rõ là biến động về giá quá lớn. Nhà đầu tư khi đầu tư tiền ảo phải liên tục dành thời gian cho nó, nắm bắt thông tin liên tục. Trong thời đại công nghệ số phát triển, nếu người đầu tư không nắm bắt được thông tin hay chỉ chậm một chút thì rất dễ rơi vào trạng thái mất trắng.

Giá đồng Pi lao dốc: Trên trời rơi xuống liệu chỉ có nước mưa?- Ảnh 8.

Đồng Pi lao dốc một cách nhanh chóng là do chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Về phía đồng Pi, bà Trang cho rằng việc giá trị đồng Pi lao dốc một cách nhanh chóng là do chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Thực tế, đồng Pi đã hoạt động khá lâu nhưng chưa đưa ra được cho người đầu tư thông tin minh bạch, chính xác về nguồn gốc hay tính pháp lý.

"Đầu tư muốn yên tâm thì cần có sự đảm bảo chắc chắn từ pháp lý cho đến nguồn gốc. Tính ổn định không có thì nhà đầu tư khó mà tin tưởng được", bà Trang nếu quan điểm.

Đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư, bà Trang cho rằng cần xem xét, đọc thông tin và tìm hiểu sâu về đồng Pi. Cần có nguồn thông tin thật sự chính xác, minh bạch thay vì chỉ chạy theo tâm lý đám đông để tránh rơi vào hiện tượng "bong bóng ảo". Nghĩa là phía nhà phát hành có thể đẩy tin tức về đồng Pi để các nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào giao dịch, rồi đến một giai đoạn nào đó thị trường sẽ sập xuống.

Ngày 18/2 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam. Một trong những điểm đáng chú ý trong đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) dành cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, hiện chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Do còn nhiều nội dung cần nghiên cứu trước khi ban hành chính sách, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm các chính sách liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không đề cập đến các chính sách cụ thể.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.