Nông dân phấn khởi khi giá dừa trái tăng gấp đôi
Diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang hiện nay đạt 21.654 ha, với diện tích cho trái 18.116 ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng 244.115 tấn/năm. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749 ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nông dân trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Thông tin trên TTXVN, theo ghi nhận của PV tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh dừa lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đến thu mua dừa khô với giá từ 70.000-80.000 đồng/chục (12 trái), tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây vài tháng. Điển hình, anh Nguyễn Văn Tư ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vừa thu hoạch 0,3 ha dừa được 500 trái, bán với giá 80.000 đồng/chục, lợi nhuận thu hơn 3 triệu đồng.
Cụ thể, toàn huyện Chợ Gạo, Tiền Giang hiện có trên 7.800 ha dừa, tăng hơn 890 ha so với cuối năm 2021; trong đó, diện tích dừa đang cho trái trên 6.000 ha. Theo nhiều nông dân trồng dừa tỉnh Tiền Giang, cây dừa không đòi hỏi công chăm sóc, chi phí đầu tư (phân bón, thuốc trừ sâu) như những loại cây trồng khác nên với giá bán trung bình từ 50.000 đồng/chục trở lên nông dân đã có lợi nhuận tương đối ổn định.
Trước những lợi nhuận của cây dừa mang lại, để tăng giá trị từ cây dừa, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11/1/2022 về phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 cùng những năm tiếp theo. Địa phương khuyến khích nông dân thay đổi tập quán, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thâm canh đồng thời chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng chất lượng và giá trị sản phẩm dừa trên thị trường, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.
Trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, để khai thác tiềm năng phát triển cây dừa, ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan cùng các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập các hợp tác xã để người dân trồng dừa phải tham gia hợp tác xã cũng như liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...
Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới
Theo số liệu trên VTV, hiện Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000 hecta, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng diện tích đã vượt 130.000 hecta.
Kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu thống kê được các nhóm sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa, thì ngành này có thể đã vào nhóm xuất khẩu tỷ đô.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ trên báo Nông Nghiệp, thực tế ngành dừa trong thời gian vừa qua có sự phát triển khá thần tốc. Đặc biệt, trước thông tin Mỹ chuẩn bị mở cửa thị trường cho quả dừa sọ Việt Nam, cũng như Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch trái dừa Việt Nam, các doanh nghiệp ngành dừa hiện nay đang cố gắng phát triển vùng nguyên liệu, đăng ký mã vùng trồng, đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.
“Cuối năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dừa là trên 700 triệu USD. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, dựa trên đà Mỹ và Trung Quốc đồng ý cho nhập khẩu dừa Việt Nam thì khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dừa lên đến 1 tỷ USD”, bà Thanh nói.
Năm 2021, cây dừa được Chính phủ đưa vào chương trình phát triển cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh việc cây dừa làm thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, sản phẩm ngành dừa rất đa dạng. Mới đây, các doanh nghiệp thuộc Hội đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm gáo dừa để làm hàng trang trí nội thất. Thay vì uống nước dừa xong, vứt đi quả dừa thì nay có thể tận dụng gáo dừa "phù phép" thành nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 20 doanh nghiệp lớn đã có kim ngạch xuất khẩu dừa ra thế giới, 35 quốc gia và vùng lãnh thổ là những khách hàng lớn của Việt Nam.
Trúc Chi (t/h)