Giá gạo lại “nóng” trở lại

Giá gạo lại “nóng” trở lại

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 4, 22/11/2023 19:58

Thị trường gạo vẫn đang ở giai đoạn rất sôi động. Giá xuất khẩu gạo tăng cũng kéo theo giá gạo nội địa tăng nhẹ.

Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp đà tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch gạo ngày 21 và 22/11, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 663 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024.

Giá xuất khẩu gạo tăng cũng kéo theo giá gạo nội địa tăng nhẹ. Khảo sát của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong tuần qua, giá lúa gạo tăng nhẹ từ 25-238 đồng/kg, tùy loại.

Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng tăng 57 đồng, lên mức 8.950 đồng/kg; lúa thường tại kho tăng 108 đồng, lên 10.700 đồng/kg; gạo trắng loại 1 tăng 42 đồng, lên 16.000 đồng/kg; gạo 5% tấm tăng 39 đồng, lên 15.500 đồng/kg; gạo 15% tấm tăng 25 đồng, lên 15.300 đồng/kg…

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, giá trị gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, theo báo Hà Nội Mới.

Trước những lợi thế có trên, Bộ NNPTNT cho rằng, dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn, dự kiến trong năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.

Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao, vượt kết quả của cả năm 2022

Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD), theo số liệu trên báo Công Thương.

Cụ thể, về thị trường (cập nhật hết tháng 10), khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines, Indonesia, Singapore) và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 4,2 triệu tấn, tăng 25,7%; sang thị trường Trung Quốc đạt 884 nghìn tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng lượng gạo xuất sang 2 thị trường nêu trên đạt gần 5,1 triệu tấn, chiếm 72% lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Việc giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao thời gian qua đã giúp xuất khẩu gạo đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.

Theo VFA, từ nay đến cuối năm do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Với những tín hiệu tích cực gần đây, xuất khẩu gạo trong năm 2023 nhiều khả năng đạt và vượt con số 7,5-8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD. Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao, vượt kết quả của cả năm 2022.

Mặc dù giá xuất khẩu gạo tăng song Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động, tính toán trong quá trình thu mua thóc, gạo nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần phân tích, nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua, bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô - Giá gạo lại “nóng” trở lại

Thị trường gạo vẫn đang ở giai đoạn rất sôi động. Ảnh minh họa.

Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia

Triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thúc đẩy công tác thông tin, tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu gạo, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đồng thời đảm bảo duy trì dự trữ lưu thông, bình ổn thị trường nội địa, kịp thời đề xuất các giải pháp và báo cáo Bộ Công Thương.

Bà Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, ngoài trái cây, ngành hàng lúa gạo là “điểm sáng” giúp trợ lực cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam trong năm nay. Hai mặt hàng này đã giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023. Đây là một trong những kết quả đáng khích lệ, theo Thanh Niên.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang ở neo ở mức rất cao. Theo các chuyên gia, xu hướng tăng hiện nay của giá gạo được đánh giá là “con dao 2 lưỡi” với doanh nghiệp xuất khẩu, bởi sẽ dễ dẫn đến rủi ro khi doanh nghiệp ký đơn hàng với giá gạo cao và xuất đi với giá thấp. Chưa kể, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thu mua lúa gạo.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, nếu như doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng lúa thì sẽ chủ động được nguồn cung trong điều kiện diễn biến rất nhanh và bất thường của thị trường lúa gạo như thời gian qua.

Trúc Chi (t/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.