Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin, ngày 11/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3180/QĐ-BCT về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: NR02.AC02.AD13-AS01).
Theo đó, để có thêm thời gian xem xét toàn diện, khách quan những vấn đề liên quan đến vụ việc cũng như ý kiến của các bên liên quan, căn cứ quy định tại Điều 82 và Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, ngày 11/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 494/QĐ-BCT về việc gia hạn thời hạn rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 3 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 11/6/2024.
Thông tin thêm trên Thương Trường, trước đó, ngày 11/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3180/QĐ-BCT về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: NR02.AC02.AD13-AS01) từ 5 nước ASEAN gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar.
Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 5 nước trên được ban hành vào tháng 8/2022.
Cụ thể, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%. Trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đến ngày 15/6/2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công thương.
Việc áp thuế nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía.
Giá đường thế giới các phiên giao dịch gần đây tăng khoảng 150% so với hồi đầu năm 2023. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua đối với ngành mía đường toàn cầu.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2023 - 2024, diện tích mía cả nước đạt gần 16.000 ha, tăng 12% so với vụ trước. Sản lượng đường cũng tăng khoảng 9%, đạt hơn 1 triệu tấn.
Theo VTV, thời gian qua hàng loạt công ty mía đường trên cả nước đã thông báo tăng giá mía từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm các chi phí hỗ trợ vận chuyển, tăng 6% so với niên vụ trước đó. Đặc biệt, diện tích mía nằm trong chuỗi liên kết giữa nông dân và nhà máy tiếp tục tăng và điều này đã giúp người trồng mía giảm bớt gánh nặng về vốn đầu tư cho loại cây trồng này.
Trúc Chi (t/h)