Thời gian gần đây, giá heo hơi dần tăng lên khiến người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phấn khởi, mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, dịp này cũng là thời điểm nuôi lứa heo mới để đón đầu, phục vụ cho nhu cầu cung cấp thịt Tết Nguyên đán.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm này, giá heo đang ở mức 51.000 - 55.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Giá heo tăng khiến cho nhiều nông dân tại các địa phương như Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... phấn khởi.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương có đàn heo lớn như Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom,... và công ty lớn như Hưng Phong, Nghĩa Lộc,... đều cho biết, hiện giá heo đã tăng ổn định trở lại khiến cho họ có động lực tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vẫn đang trong tình trạng khó khăn, không đủ vốn để tái đàn trở lại vì nợ nần chồng chất sau đợt khủng hoảng trước đó.
Ông Tư Bêu (tên thật Nguyễn Văn Tư), người chăn nuôi heo tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đợt khủng hoảng vừa rồi kéo dài quá lâu khiến cho người chăn nuôi lụi bại, kiệt quệ kinh tế. Mấy tháng nay giá heo hơi lại tăng trở lại ở mức khá cao nên nhiều người mong muốn giữ giá này đến thời điểm Tết Nguyên đán.
“Hiện tại, giá heo đang cao nên tôi cũng mong muốn giá heo này sẽ giữ vững đến lúc xuất chuồng heo Tết. Hầu như bà con nào cũng mong muốn giá heo tết sẽ khởi sắc, bù lại những mất mát dịp trước. Tuy nhiên tôi và nhiều bà con chỉ dám nhập chuồng ít heo tết, không dám tăng thêm quá nhiều do sợ heo lại mất giá, lại ôm nợ”, ông Tư Bêu nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Hưởng, chủ trại heo ở huyện Xuân Lộc lại cho biết, theo kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi heo của ông, mỗi năm, cứ đến tháng 8 - 9 Âm lịch, giá heo sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao.
Đặc biệt, đây cũng là lúc phát triển đàn mới chờ tung ra thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trại heo của gia đình ông cũng chỉ dám nuôi 1.000 con chờ Tết và không dám nuôi nhiều hơn vì sợ thất thu.
Bên cạnh thuận lợi về giá heo đang tăng ổn định thì lứa heo cuối năm người chăn nuôi và ngành chức năng cũng lo lắng về dịch bệnh ở heo. Và hiện quan ngại nhất đó là bệnh dịch tả heo châu Phi bởi nếu mắc loại dịch này thì sẽ sụt giảm kinh tế nặng nề, người chăn nuôi dễ rơi vào tình trạng mất trắng. Hiện ở Đồng Nai chưa phát hiện bệnh nhưng người chăn nuôi và cơ quan chức năng đã có nhiều phương án phòng dịch.
Cụ thể, vừa qua hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã tổ chức hội thảo thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) như: lịch sử dịch bệnh, diễn biến của dịch bệnh, sự nguy hiểm của dịch bệnh; các giải pháp phòng chống…
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, Đồng Nai hiện có 2,34 triệu con heo. Trong đó, có khoảng 330.000 con heo nái, 4.900 con đực giống, còn lại là heo thương phẩm. Với đàn heo lớn như trên, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang đặc biệt quan tâm tới diễn biến của bệnh dịch tả heo châu Phi và cũng đưa ra nhiều phương hướng tuyên truyền để bà con chăn nuôi phòng dịch và biết về sự nguy hiểm của dịch này.
Về lo lắng của nông dân khi muốn tăng đàn heo phục vụ dịp Tết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân cần có quyết định đúng đắn trong việc tăng đàn. Đồng thời, hiệp hội cũng khuyên bà con lựa chọn kỹ con giống, đảm bảo sức khỏe… cho heo.
Ông Đoán cũng mong muốn giá heo khởi sắc ổn định để bà con nông dân đỡ vất vả. Tuy nhiên cũng theo ông Đoán thì việc tăng đàn phải dựa trên nhiều yếu tố và bà con không nên ồ ạt tăng đàn do cuối năm thời tiết không thuận lợi, heo dễ mắc bệnh và hiện dịch tả heo châu Phi đang phức tạp ở nước bạn nên bà con cũng phải cẩn trọng chăm sóc sức khỏe của heo. Heo có biểu hiện của dịch bệnh cần thông báo ngay cho địa phương để có phương án xử lý.