Già hóa dân số, "quả bom hẹn giờ" ở các nước châu Á

Già hóa dân số, "quả bom hẹn giờ" ở các nước châu Á

Phan Văn Tìm

Phan Văn Tìm

Thứ 3, 07/03/2023 09:24

Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng già hoá dân số, vấn đề sẽ tác động sâu rộng tới tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội.

Theo tờ New York Times, châu Á - khu vực đông dân nhất thế giới, chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu đang đối mặt với một vấn đề nan giải: cuộc khủng hoảng già hoá dân số. Dân số châu Á đang già đi với tốc độ nhanh hơn bất kỳ châu lục nào khác. Theo Ban Dân số Liên Hợp Quốc, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 thập niên tới và đạt mức 1,6 tỷ vào năm 2050, trong đó châu Á dẫn đầu xu hướng này.

Theo đó, tỉ lệ người trên 65 tuổi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng tăng khiến cho nền kinh tế của những nước này gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, gây áp lực lên hệ thống y tế. Đồng thời, chính phủ của họ đang phải chật vật để tìm kiếm nguồn tiền để hỗ trợ người về hưu.

Cuộc khủng hoảng già hoá dân số ở châu Á

Đài CNN đưa tin, Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có tiền lệ, với tỉ lệ sinh giảm mạnh xuống mức kỷ lục vào năm 2022, bất chấp những nỗ lực của chính phủ trong nhiều năm qua nằm đảo ngược xu thế này.

Theo dữ liệu mới đây do Bộ Y tế Nhật Bản công bố, nước này thống kê có 799,728 ca sinh vào năm 2022, con số thấp nhất được ghi nhận trong 40 năm qua. Tỉ suất sinh hiện nay ở Nhật Bản là 1.34% – thấp hơn đáng kể so với mức cần thiết (2.1%) để duy trì dân số ổn định, trong trường hợp không có người nhập cư. Trong khi đó, xứ sở hoa anh đào cũng chứng kiến tỉ lệ tử vong đạt mức kỷ lục kể từ thời kỳ hậu chiến với hơn 1.58 triệu người

Thế giới - Già hóa dân số, 'quả bom hẹn giờ' ở các nước châu Á

Trong năm 2022, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận tỉ suất sinh thấp kỷ lục. Ảnh: Reuters

Nhật Bản cũng là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới. Bà Motoko Rich, trưởng văn phòng tờ New York Times tại Nhật Bản, cho biết khoảng 1/3 dân số Nhật Bản hiện trên 65 tuổi, trong khi đó, tỉ lệ này ở Mỹ chỉ vào khoảng 17%.

Những xu hướng đáng lo ngại nói trên đã dẫn tới việc Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo vào tháng 1 rằng, Nhật Bản “đang có nguy cơ không thể duy trì các chức năng xã hội”.

Hàn Quốc cũng chia sẻ chung câu chuyện khủng hoảng nhân khẩu học như trường hợp của Nhật Bản, với tỉ lệ sinh trong năm 2022 tiếp tục suy giảm xuống mức 0.78%, mức thấp nhất kể từ năm 1970. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỉ lệ sinh dưới 1%.

Theo số liệu mới nhất của cơ quan thống kê Hàn Quốc, chỉ có tổng cộng 249,000 trẻ em được sinh ra trong năm 2022, giảm 4.1% so với năm ngoái và là năm thứ ba liên tiếp số ca tử vong vượt quá số ca sinh ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Còn tại Trung Quốc, sau hơn 60 năm, nước này lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm dân số vào năm 2022. Theo số liệu mới nhất do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hồi đầu năm 2023, dân số nước này giảm 850.000 người so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,4118 tỉ người trong năm 2022.

Tỉ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục với mức 6.77/1000 người, giảm so với mức 7.52 vào năm ngoái. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong vào năm ngoái là 7,37/1000 người, cao nhất kể từ năm 1974. Ngoài ra, số người trên 60 tuổi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 280,04 triệu, tăng 18.9% so với năm 2021.

Nguyên nhân và tác động

Tờ New York Times chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng già hoá dân số ở châu Á là do tỉ lệ sinh thấp, chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em tại Nhật Bản và Hàn Quốc khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn. Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường ở riêng và cách xa với họ hàng, những người có thể hỗ trợ họ trong việc chăm sóc con cái.

Thế giới - Già hóa dân số, 'quả bom hẹn giờ' ở các nước châu Á (Hình 2).

Già hóa dân số gây áp lực lên hệ thống y tế và lương hưu tại các nước châu Á. Ảnh: Bloomberg News

Theo nghiên cứu từ tổ chức tài chính Jefferies, năm 2022, Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi con tốn kém nhất thế giới. Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình thực tế trung bình hàng năm tại Nhật Bản giảm từ 6.59 triệu yên (50,600 USD) năm 1995 xuống còn 5.64 triệu yên (43,300 USD) vào năm 2020.

Ở Trung Quốc, đó là vì những hậu quả sâu sắc từ chính sách một con kéo dài. Chính sách này được ban hành từ những năm 1980 và được bãi bỏ vào năm 2015 nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp cải thiện tình hình. Chi phí sinh hoạt, giáo dục cao và giá nhà ở tăng vọt cũng như cơ hội việc làm ít hơn cùng áp lực công việc khiến việc nuôi con trở nên đắt đỏ.

Bên cạnh đó, thái độ đối với hôn nhân và việc lập gia đình cũng đã thay đổi trong những năm gần đây ở các nước châu Á kể trên, với việc nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn và sinh con trong thời kỳ đại dịch. Trong khi đó, ngày càng nhiều người trẻ bi quan về tương lai, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Nhìn chung, tỉ lệ sinh thấp tại các nền kinh tế kể trên tiềm ẩn những rủi ro lâu dài cho nền kinh tế, chẳng hạn làm giảm quy mô lực lượng lao động, từ đó khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi. Bên cạnh đó, dân số già nhanh chóng cũng gây áp lực lên hệ thống y tế, gia tăng chi tiêu phúc lợi, mà lẽ ra ngân sách này có thể được sử dụng để thúc đẩy các doanh nghiệp, nghiên cứu và các hoạt động kinh doanh khác - vốn là động lực cho thịnh vượng quốc gia.

Biện pháp nào được đề ra?

Già hoá dân số được cho là "cơn đau đầu kinh niên” đối với nền kinh tế và xã hội Nhật Bản. Chính phủ nước này đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách để cải thiện tình hình. Mới đây, Tokyo thông báo sẽ thành lập một cơ quan mới chuyên phụ trách vấn đề này vào tháng 4 tới. Thủ tướng Kishida cũng muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em, chẳng hạn như tăng trợ cấp chăm sóc trẻ kèm theo các sáng kiến chăm sóc trẻ sau giờ học.

Thế giới - Già hóa dân số, 'quả bom hẹn giờ' ở các nước châu Á (Hình 3).

Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 60 năm ghi nhận sự sụt giảm dân số trong năm 2022. Ảnh: AP

“Khi nghĩ đến tính bền vững, sự toàn diện của nền kinh tế và xã hội của quốc gia, chúng tôi đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ em là chính sách quan trọng nhất của mình”, ông Kishida nói. Đồng thời, cho biết thêm rằng Nhật Bản “đơn giản là không thể chờ đợi lâu hơn nữa” trong việc giải quyết vấn đề suy giảm dân số của quốc gia.

Tương tự Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc cũng đề xuất nhiều sáng kiến khác nhau như kéo dài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản có nhận lương, khuyến khích nam giới đóng góp vào công việc chăm sóc con cái và nội trợ, phụ cấp các gia đình có con dưới một tuổi, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho người trẻ, nới lỏng chính sách nhập cư,...

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng tăng cường các nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, bao gồm một kế hoạch đa cơ quan công bố hồi năm ngoái để kéo dài thời gian nghỉ thai sản và cung cấp các khoản khấu trừ thuế cũng như một số quyền lợi khác cho các gia đình sinh thêm con. Bên cạnh đó, các địa phương ở Trung Quốc thậm chí còn hỗ trợ tiền mặt nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Mới đây, Trung Quốc cũng đề xuất việc nới lỏng một số quy định đối với các bà mẹ đơn thân.

Mặc dù vậy, không phải biện pháp nào đưa ra cũng đều đem lại kết quả đáng mong đợi. Nhiều chuyên gia cũng như người dân đều cho rằng chính phủ các nước cần đưa ra nhiều hỗ trợ hơn đối với cả cuộc đời của một đứa trẻ và chính phủ cũng cần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội sâu xa hiện nay.

Vĩnh Khang (theo CNN, New York Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.