Trong Thông tư nêu, giá khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống 33.100 đồng/lượt khám, bệnh viện hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.600 đồng/lượt, bệnh viện hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 26.200 đồng/lượt, bệnh viện hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống 23.300 đồng/lượt.
Cùng đó, giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt điều chỉnh tăng 677.100 đồng lên 687.100 đồng/ngày; tại bệnh viện hạng 1 có giá là 615.600 đồng/ngày; với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt là 401.300 đồng/ngày và bệnh viện hạng 4 sẽ giảm từ 226.000 đồng xuống 221.200 đồng/ngày.
Hàng chục dịch vụ cận lâm sàng cũng được điều chỉnh giảm giá, như: Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu đồng xuống còn 1,6 triệu đồng; phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng...
Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm từ 202.000 đồng xuống 100.000 đồng/lượt, siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 38.000 đồng, chụp X-quang số hóa 1 phim từ 69.000 đồng xuống 62.000 đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536.000 xuống còn 512.000 đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2.336.000 đồng xuống 2.200.000 đồng…
Theo bộ Y tế, thông tư điều chỉnh giá viện phí này áp dụng với những người điều trị nội trú hoặc ngoại trú từ thời điểm thông tư có hiệu lực.
"Đối với người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Thông tư này thì, tiếp tục được áp dụng mức giá theo quy định của cấp có thẩm quyền trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú", Thứ trưởng bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nêu rõ.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, bộ Y tế cho biết thông tư được ban hành sau khi đã được liên bộ Y tế, bộ Tài chính cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát điều chỉnh và thống nhất. Việc tăng, giảm giá phụ thuộc vào chi phí đầu vào như điện, nước, vật tư, hóa chất... hiện có một số chi phí tăng lên, một số loại lại giảm do đấu thầu. Vì thế, mức giá được xây dựng từ năm 2012, 2015 hiện không còn phù hợp.
Tới đây, bộ Y tế sẽ tiếp tục sắp xếp lại 18.000 dịch vụ y tế thành nhóm từ 2.000- 3.000 dịch vụ để xây dựng giá cho các dịch vụ này.
Nguyễn Huệ