Rớt giá kỷ lục
Hiện tại, chanh dây đang vào vụ thu hoạch, các huyện có diện tích trồng chanh dây lớn ở tỉnh Gia Lai gồm: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang.
Thế nhưng, giá thương lái thu mua tại thời điểm này chỉ 2-3 ngàn đồng/kg đối với chanh múc, còn chanh bán ngoài chợ có giá 4-5 ngàn đồng/kg, khiến người dân không mặn mà thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Phương, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang cho biết, năm 2023, ông phá 1ha cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Tuy nhiên, đến lúc thu hoạch thì giá chanh dây giảm chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg.
Ông Phương rầu rĩ nói: “Tôi bỏ hơn 150 triệu đồng để đầu tư trồng chanh dây. Dự kiến vườn chanh dây cho sản lượng gần 40 tấn quả. Tuy nhiên, giá bán thấp như hiện tại khiến gia đình thiệt hại nặng”.
Tương tự, tháng 6/2022, gia đình bà Nguyễn Thị Thân, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh đã phá bỏ 4 sào cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Đến tháng 3/2023, gia đình bà tiếp tục đầu tư trồng thêm 5 sào.
Theo bà Thân, để đầu tư 1 sào chanh dây mất ít nhất 15 triệu đồng tiền cây giống, vật tư, phân bón, công chăm sóc. Đối với vườn cây trồng từ năm 2022, khi thu hoạch, gia đình bán được giá 12-16 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, bây giờ giá xuống quá thấp, người trồng chắc chắn lỗ vốn.
Anh Lê Văn Tuấn, 30 tuổi, trú tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh đã sống với cây chanh dây nhiều năm nay. Năm 2021, gia đình anh trồng 4 sào, đầu năm 2023, mở rộng thêm 8 sào.
Anh Tuấn cho hay: "Lúc đó chanh tăng giá mạnh nên gia đình tôi đã quyết định bỏ ra hơn 120 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng. Nhưng đến giờ thu hoạch vụ đầu tiên thì giá rớt chỉ còn từ 3.000 đến 5.500 đồng/kg. Chúng tôi mong có những doanh nghiệp lớn liên kết, tạo đầu ra bền vững cho bà con".
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh cho biết, 2 năm trở lại đây, khi thấy giá chanh dây tăng cao, người dân chạy theo lợi nhuận mà trồng ồ ạt.
Trong khi kế hoạch phát triển vùng chanh dây của các doanh nghiệp thu mua để chế biến chưa thực sự phù hợp.
Đơn cử, nhà máy có công suất 500.000 tấn thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu tương ứng, khi đó giá mới ổn định được. Còn hiện tại, người dân trồng ồ ạt khiến sản lượng bị dư thừa, nên giá xuống thấp là điều không tránh khỏi.
Trồng ồ ạt
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho hay: “Hiện chanh dây Việt Nam xuất khẩu sang các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia, Nga, Canada... nhưng chủ yếu vẫn là Trung Quốc.
Thời điểm này, các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc đang vào mùa thu hoạch chính vụ chanh dây. Ngoài ra thời gian qua, nhiều địa phương ở Trung Quốc bị bão lũ, thu nhập của người dân giảm nên sức mua giảm theo, dẫn đến chanh dây rớt giá”.
Đồng quan điểm, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho rằng, toàn huyện có khoảng 700ha chanh dây, tăng 200ha so với năm 2021.
"Trước tình hình chanh dây giảm giá, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích. Trước khi trồng phải tìm hiểu thị trường tiêu thụ, nguồn gốc giống và phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng. Cùng với đó, tập trung chăm sóc những diện tích hiện có nhằm tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm", ông Thắm nói.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: "Quá trình chỉ đạo sản xuất, chúng tôi thấy rằng chanh dây có lúc giá lên cao, lúc xuống thấp.
Đối với chanh dây quả tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá vẫn ở mức 22-25 ngàn đồng/kg. Nhưng giá chanh xô hiện nay thì xuống thấp.
Nguyên nhân là giống chanh dây được trồng ở tỉnh có tỷ lệ mẫu mã quả đẹp rất ít, chất lượng loại 2, loại 3 thì nhiều. Điều này đã kéo giảm thu nhập của người dân".