Làng quán quân
Một chiều hè, dọc 2 bên đường vào làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai là những cánh đồng lúa vàng óng đu mình theo chiều gió. Xa xa, nhấp nhô dưới những tán cây cổ thụ là những căn nhà rông sừng sững hiên ngang giữa đất trời như giang tay ôm trọn làng vào lòng. Dưới sân trường, đám trẻ con mình trần, chân đất tung tăng nô đùa, nhóm thanh niên lực lưỡng miệt mài truyền đạt cho nhau kinh nghiệm chạy cà kheo với quyết tâm giành huy chương vàng ngày hội tranh tài sắp tới.
Làng Kon Măh nay đã đổi thay, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Với lợi thế được thiên nhiên ưu ái, núi non trùng điệp, phong cảnh hữu tình nên Kon Măh là điểm đến lý tưởng để khách du lịch ghé thăm, trải nghiệm. Đặc biệt, làng Kon Măh được biết đến như “cái nôi” của bộ môn cà kheo. Đây là nét văn hoá được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nơi này, sản sinh ra nhiều vận động viên sở hữu khả năng thiên bẩm chạy cà kheo, liên tục giành quán quân tại các cuộc thi của tỉnh.
Dưới tán cây cổ thụ, nhóm thanh niên làng tranh thủ nghỉ ngơi sau những giờ tập luyện, gương mặt đẫm mồ hôi. Trò chuyện với chúng tôi là anh Tham, người chạy cà kheo giỏi nhất của làng. Anh Tham kể, tiếng Ba Na gọi cà kheo là xing xơng. Ngày xưa các già làng kể với con cháu rằng, lúc đi phát rẫy sợ con kiến, con rắn, rết cắn và đường làng mùa mưa rất bẩn nên cha ông đã làm đôi cà kheo. Hồi đó không có dây cao su nên phải bện dây rừng để cột, làm bàn đạp cà kheo. Cà kheo ngày xưa rất cao để tiện mỗi khi bước ra nhà sàn.
Giờ đây, cuộc sống hiện đại nhưng với anh Tham và người dân làng Kon Măh, cà kheo vẫn là vật dụng để mọi người luyện tập, rèn luyện cơ thể khoẻ mạnh. Hơn cả, với mỗi người dân làng Kon Măh, gìn giữ nét đẹp văn hoá của dân tộc Ba Na là điều rất thiêng liêng.
Anh Tham tự hào: “Cứ chiều về, các em nhỏ trong làng lại lấy cà kheo đến nhà rông, tập hợp lại rồi chia đội đá bóng, vừa vui chơi vừa tập luyện. Nhớ chăm chỉ luyện tập, mình vinh dự được xã, huyện cử đi tham gia nhiều cuộc thi và đạt được thành tích cao. Tranh tài tại các cự như 100m, 200m đến 400m và mình đều giành được huy chương vàng. Do đó, mình may mắn đã được chọn vào đội tuyển của tỉnh dự 4 kỳ hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc và giành được 7 tấm huy chương vàng”.
Theo anh Tham, hồi trước, điểm đặt chân ở cà kheo cao hơn do nhu cầu sử dụng, còn giờ trong thi đấu độ cao bàn đạp chân được hạ xuống, cách mặt đất chỉ khoảng nửa mét để an toàn. Về kinh nghiệm của bản thân, anh Tham tâm sự, chiếc cà kheo tốt thường được làm bằng cây le đủ độ tuổi vừa chắc lại dẻo, tạo sức bật cho người chạy.
Giờ đây, anh Tham đã ngoài 30, sức khoẻ không thể bằng các bạn đôi mươi và tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm anh đều truyền lại cho Đêm (SN 2002), một bạn trẻ không chỉ có tố chất sức khoẻ mà trong mắt luôn ngập tràn ý chí. Mùa này, Đêm phải lên rẫy với cha mẹ nhiều hơn nên chỉ chập tối Đêm mới đến được nhà rông. Thế nhưng, em không hề thấy mệt mỏi mà luôn lao vào luyện tập ngay khi đến nhà rông.
Nét văn hoá đặc sắc
Dẫn chúng tôi về nhà, Đêm mang số huy chương “khủng” ra khoe. Tuy chỉ mới tham gia thi đấu môn cà kheo vài năm trở lại đây nhưng Đêm đã kịp có 8 huy chương vàng trong tổng số 11 huy chương các loại. Cách đây không lâu, dưới chân núi lửa Chư Đang Ya tổ chức “Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya”. Trong nội dung thi cà kheo, Đêm đã giành huy chương vàng một cách dễ dàng. Còn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII (khu vực II) diễn ra ở Tp.Quảng Ngãi tháng 6/2022, Đêm cũng mang về thành tích cao nhất ở cự ly 400m.
“Hồi em tập luyện có một lần bị bong gân, nhưng đam mê, muốn thể hiện bản lĩnh của người đàn ông nên em đã cố gắng luyện tập trở lại để thi đấu. Em rất thích cảm giác mang huy chương vàng về cho làng mình”, Đêm vui vẻ.
Không chỉ riêng làng Kon Măh, mỗi làng ở xã Hà Tây đều có đội cồng chiêng thanh thiếu niên cả nam và nữ. Người biết đánh chiêng, đi cà kheo giỏi trong làng truyền dạy cho lớp trẻ, thường xuyên tổ chức hội thi giữa các đội, các làng để giao lưu học hỏi.
Những năm gần đây, nhờ có nét riêng về văn hoá, làng Kon Măh đã thu hút được nhiều khách du lịch. Điều này không chỉ giúp làng Kon Măh từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thanh Duy, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh, môn cà kheo còn được duy trì ở các huyện Chư Păh, Đức Cơ, Đak Pơ, Phú Thiện và Tp. Pleiku. Tại hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc những năm gần đây, trung tâm luôn tuyển chọn vận động viên ở các huyện trên tham gia môn chạy cà kheo. Có đội ngũ tinh nhuệ ấy, Gia Lai đã vượt lên dẫn đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Nhà thơ Văn Công Hùng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên cho biết: “Thực ra cà kheo không phải là trò chơi, mà là một cách để con người khắc phục điểm yếu của mình, nối dài chân để sinh hoạt và lao động. Cà kheo cũng không phải chỉ là độc quyền của người Tây nguyên, bà con vùng biển cũng nhờ cà kheo mà “bước” ra ngoài vùng biển xa hơn để đánh bắt con ruốc và cá nhỏ. Có lẽ khởi thủy cà kheo ở Tây Nguyên là để bà con tránh những con vật nguy hiểm, cũng có thể là để qua suối. Sau này trong các lễ hội, bà con mang ra “biểu diễn” như một cách vừa là “báo cáo” với Giàng (thần linh) những việc mình làm vừa thể hiện khát vọng cao hơn xa hơn của mình”.