Lộ nhiều nguyên nhân
Ngày 10/12, liên quan đến vụ hơn1.228 héc ta rừng tự nhiên bị “xóa sổ” khỏi lâm phần ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, 1 cán bộ Ban này cho biết: “Trong tổng số hơn 1.200 héc ta rừng tự nhiên thuộc lâm phần đơn vị quản lý bị mất là do người dân lấn chiếm làm nương rẫy.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp tự ý chặt phá rừng để trồng cao su. Tuy nhiên, khi bị kiểm tra, phát hiện thì không có đơn vị nào thừa nhận. Quá trình thanh tra tỉnh kiểm tra, kết luận không xác định được của doanh nghiệp nào. Hiện, việc vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra, xác minh làm rõ”.
Theo thanh tra tỉnh Gia Lai, giai đoạn trước khi có kết quả kiểm kê rừng năm 2014, tổng diện tích đất tự nhiên Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch được giao là 31.282 héc ta (theo Quyết định số 01/2002/QĐ-UB ngày 03/01/2002 của UBND tỉnh này). Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ là 13.554 héc ta.
Theo Quyết định số 53/UB-UBND ngày 4/2/2008 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt dự án rà soát, quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh này, tổng diện tích đất tự nhiên Ban được giao quản lý là 23.895 héc ta (trong đó, đất có rừng là 22.920 héc ta; đất chưa có rừng là 974. 7 héc ta).
Tuy nhiên, đến năm 2011, Ban được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 12.478 (chủ yếu là đất có rừng).
Phần còn lại 11. 417 héc ta là diện tích đất khu dân cư, đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giai đoạn sau khi có kết quả kiểm kê rừng vào năm 2014, theo Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 03/12/2014 của UBND tỉnh Gia Lai, tổng diện tích đất lâm nghiệp kiểm kê được là hơn 16.495 héc ta (trong đó, đất có rừng là hơn 13.481 héc ta, đất chưa có rừng là hơn 3.033 héc ta)
Theo thanh tra tỉnh, từ năm 2008 đến nay có 868.77 héc ta rừng bị người dân chặt phá lấn chiếm để làm nương rẫy, 359.86 héc ta bị một số doanh nghiệp chặt phá chiếm đất để trồng cao su. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá lấn chiếm từ năm 2008 đến nay là hơn 1.228 héc ta.
Doanh nghiệp phá rừng trồng cao su
Mặc dù, diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm cụ thể là hơn 1.228 héc ta nhưng Ban quản lý chỉ lập biên bản vi phạm hơn 62 héc ta.
Ban quản lý kiến nghị xử lý hình sự 7 vụ với 18 đối tượng, các đối tượng còn lại chỉ phạt hành chính, nhắc nhở. Diện tích rừng còn lại không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không thống kê báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền.
Mặt khác, một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê năm 2014 đơn vị vẫn đưa vào diện tích rừng trồng đang quản lý lên đến hơn 2.396 héc ta, trong khi thực tế chỉ có hơn 222 héc ta.
Như vậy, trong quá trình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, chủ rừng đã không thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vu theo quy định tại Điều 60 và 62 Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004, Điều 74 và 76 Luật Lâm nghiệp năm 2017, để mất hơn 1.228 héc ta rừng tự nhiên được giao quản lý bảo vệ.
Trách nhiệm các sai phạm nói trên trực tiếp thuộc về lãnh đạo ban Quản lý rừng phòng hộ qua các thời kỳ, UBND huyện Chư Prông, UBND các xã nơi có rừng.
Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị, UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc liên quan đến ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để mất hơn 1.228 héc ta tại 20 tiểu khu xảy ra từ năm 2008 đến nay đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở diễn biến có liên quan, trước đó, ngày 30/9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Hương, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.