Ngày 27/12, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết, từ đầu vụ ép, khi ký hợp đồng vận chuyển mía với các chủ phương tiện, nhà máy yêu cầu 100% tài xế phải ký cam kết chấp hành nghiêm tải trọng với cơ quan công an.
Ngoài ra, nhà máy cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền để chủ phương tiện, tài xế nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, chở mía đúng tải trọng cho phép. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, nhà máy sẽ phối hợp với lực lượng chức năng có hình thức xử lý.
Dừng xe trước cổng chờ tới lượt làm thủ tục nhập mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê, tài xế Dương Quốc Phi, trú tại thị xã An Khê chia sẻ: “Từ đầu vụ đến nay, tôi chỉ chở đúng tải trọng, không cơi nới thành thùng xe. Nhiều khi chủ ruộng đề nghị chất thêm vì mía tồn đọng trên đồng không đủ cho 1 chuyến xe nhưng tôi nhất quyết từ chối”.
Bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai cho hay: “Công ty đã ký hợp đồng vận chuyển với 180 xe ngay từ trước vụ ép năm nay. Chúng tôi cũng tổ chức chặt, bốc mía một cách khoa học để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các xe vận chuyển.
Công ty yêu cầu chủ ruộng mía, nhân công bốc mía hay tài xế điều khiển phương tiện phải chấp hành đúng cam kết. Do vậy, các xe chở mía đều chất gọn gàng, đúng tải trọng và đảm bảo an toàn trên đường vận chuyển”.
Theo bà Lan, để đảm bảo công tác vận chuyển mía nguyên liệu cho hơn 44.000ha ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, Nhà máy Đường An Khê cùng Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai đã ký hợp đồng vận chuyển với 1.500 chủ phương tiện.
Cùng với đó, 100% chủ phương tiện đều ký cam kết với công an các địa phương về chở mía đúng tải trọng, không cơi nới thành, thùng xe.
Ngoài ra, các cấp chính quyền, Công an tỉnh và Công an các địa phương cũng triển khai tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển mía nguyên liệu trên địa bàn.
Thiếu tá Đỗ Như Vũ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thị xã Ayun Pa cho biết: “Ngay từ đầu vụ thu hoạch mía, chúng tôi phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho chủ phương tiện, tài xế.
Tại hội nghị, đơn vị yêu cầu chủ xe, tài xế và các hợp tác xã vận chuyển mía ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không chở hàng quá khổ, quá tải trọng.
Chúng tôi cũng phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn, đảm bảo khép kín tuyến, khép kín thời gian để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi chở quá khổ, quá tải. Nhờ vậy, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn không phát hiện trường hợp xe chở mía quá tải, quá khổ".
Trung tá Nguyễn Bảo Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an thị xã An Khê cho biết: “Giai đoạn đầu vụ ép, chúng tôi tổ chức tuyên truyền về chở mía đúng tải trọng và không cơi nới thành, thùng xe. Đồng thời, tăng cường 1 tổ cân cơ động để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Đơn vị cũng cử lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông để nhắc nhở, xử lý đối với xe chở mía vi phạm quy định về tải trọng”.
Theo ông Hưng, tính riêng từ đầu vụ thu hoạch mía đến nay, đơn vị đã xử phạt 54 trường hợp xe chở mía quá tải, quá khổ với số tiền hơn 167 triệu đồng; tước 20 phù hiệu và 12 giấy phép lái xe; hạ tải 81 tấn hàng hóa.