Làm rõ nguyên nhân mía cháy
Trước thực trạng, hàng trăm héc ta mía của người dân bị cháy bất thường, liên tục gây thiệt hại cho người dân, UBND tỉnh Gia Lai có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương tập trung triển khai công tác phòng, chống cháy mía. Các nhà máy đường ưu tiên thu mua sớm nhất những diện tích mía bị cháy để hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, tổ chức hướng dẫn người trồng mía và người dân canh tác nông nghiệp ở khu vực lân cận thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy, nhất là vào các tháng mùa khô.\
Đồng thời, tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân mía cháy và xử lý nghiêm các đối tượng đốt mía (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, niên vụ 2022-2023, vùng nguyên liệu mía của tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra cháy lớn bất thường. Tính đến thời điểm này, toàn vùng Đông Nam của tỉnh Gia Lai có khoảng 250 héc ta mía bị cháy.
Tại xã H’Bông, huyện Chư Sê, 27 héc ta mía bị cháy. Theo người dân diện tích mía trên bất ngờ bùng cháy chưa rõ nguyên nhân . Ngay sau khi phát hiện đám cháy, người dân đã kịp thời bố trí lực lượng nỗ lực dập lửa, ngăn chặn không để lửa cháy lan rộng.
Anh Vi Văn Toàn, một người dân có mía bị cháy cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 héc ta mía, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình với khoản thu khoảng 90 triệu đồng mỗi năm. Vừa rồi, tất cả diện tích mía của gia đình bị cháy khiến sản lượng cũng như trữ lượng đường sụt giảm, nên vụ mía năm nay khoản thu của gia đình sẽ không đạt như mong đợi”.
Anh Hoàng Ngọc Tiến buồn rầu chia sẻ: “5 héc ta mía của gia đình tôi bị cháy hoàn toàn, ước thiệt hại gần 100 triệu đồng. Hiện, phía nhà máy đường của Công ty TNHH MTV Thành Thành công Gia Lai đang huy động nhân công và phương tiện tập trung “cứu” mía cháy cho người dân”.
Tạo điều kiện thu mua cho dân
Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Se cho biết, năm nay giá mía thu mua cao hơn năm ngoái nên bà con đang rất phấn khởi vì chuẩn bị được đón một mùa mía ngọt thì lại xảy ra sự việc đáng tiếc này. Phần lớn diện tích mía cháy trên địa bàn đều đang chuẩn bị cho thu hoạch theo lịch đốn và kế hoạch của phía nhà máy”.
Ông Trần Đình Thức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa thông tin, năm nay do thời tiết khô hanh cộng với nắng nóng, từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa cũng đã xảy ra 15 vụ cháy mía.
Là địa phương có diện tích mía lớn với 4.200 héc ta, nên huyện Ia Pa thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn để hạn chế tình trạng mía cháy.
Ông Thức cho biết thêm: “Địa phương đã trực tiếp làm việc với nhà máy đường và đề nghị đơn vị này tổ chức hướng dẫn người dân quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu mía. Khi thu hoạch mía cần tạo các đường ranh cản lửa, phòng trường hợp xảy ra cháy sẽ không cháy lan tạo thành các vụ cháy lớn”.
Ông Trương Quang Trình, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết, niên vụ 2022-2023, vùng nguyên liệu của đơn vị có tổng diện tích 11.500 héc ta, tập trung ở các địa phương Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Kông Chro, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.
Trước Tết, tình trạng mía cháy không xảy ra nhiều, song giai đoạn sau Tết do khí hậu nắng nóng, khô hanh và mía cũng bắt đầu khô dần nên diễn biến cháy xảy ra rất phức tạp.
Đến thời điểm này, vùng nguyên liệu của công ty đã xảy ra 80 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 260 héc ta, tương đương với 22.000 tấn. Mía cháy làm đảo lộn lịch thu hoạch, ảnh hưởng đến tâm lý nông dân trồng mía và chất lượng sản xuất của nhà máy.
Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân, công ty đã có kế hoạch dựa trên tình hình thực tế và mức độ mía cháy để hỗ trợ các khâu về nhân công thu hoạch và ưu tiên thu mua trước.