Mỗi người dân là một thành viên bảo vệ rừng
Trước đây, khu vực huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được biết đến là “điểm nóng” về vấn nạn “lâm tặc’ hoành hành khiến nhiều cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá.
Dù các lực lượng ban ngành của huyện thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm truy quét, nhưng vấn nạn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Thậm chí, trong một lần phát biểu trước báo chí, Chủ tịch UBND huyện này cho biết, theo thống kê trên địa bàn huyện có một nghìn lẻ một “lâm tặc” từ lớn đến nhỏ.
Tuy nhiên, trước giải pháp đặt ra phải cương quyết trấn áp bằng được và bằng mọi giá phải “xoá sổ” lâm tặc, UBND huyện Krông Pa đã có nhiều biện pháp đột phá, mang lại hiệu quả triệt để.
Huyện cho lắp đặt hệ thống camera tại những điểm nóng như cửa rừng. Những camera này sẽ được kết nối trực tiếp đến lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, kiểm lâm mọi phương tiện ra vào đều được giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, huyện có phương án thiết thực như treo thưởng cho người dân phán ánh, cung cấp thông tin chính xác về các đối tượng, phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép.
Với phương châm mỗi công dân là một thành viên bảo vệ rừng. Nhờ vậy, vấn nạn phá rừng ngày càng giảm thiểu rõ rệt, đạt hiệu quả cao.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa khẳng định: "Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền huyện, xã.
Lãnh đạo UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các xã thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, duy trì hoạt động nhóm Zalo công vụ Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng để cập nhật, theo dõi, chỉ đạo xử lý các hành vi vi phạm. Nhờ đó, nhiều vụ việc vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Số vụ vi phạm năm 2022 đã giảm rõ rệt so với năm trước. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2023, toàn huyện chỉ xảy ra 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022”.
Cương quyết đẩy lùi tệ nạn phá rừng
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa chia sẻ: “Từ “lâm tặc chúa” đến “lâm tặc con” đều được giám sát chặt chẽ bởi “tai mắt” của Công an xã, kiểm lâm viên địa bàn và những lực lượng giấu mặt. Hễ có động là tin báo, hình ảnh được chuyển ngay đến nhóm Zalo của Ban Chỉ đạo bảo vệ rừng. Nhóm Zalo chỉ có Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, lực lượng Công an xã, kiểm lâm địa bàn và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn”.
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhấn mạnh: Việc thưởng nóng đã trở thành nguồn động viên để lực lượng chức năng bám nắm địa bàn; kiên trì theo dõi, phát hiện bắt giữ lâm tặc ở khắp mọi nơi, bất kể giờ giấc. Người dân cũng mạnh dạn hơn khi tham gia cung cấp thông tin để ngăn ngừa vi phạm.
Cùng với đó, UBND huyện còn lắp đặt hơn 30 camera giám sát tại các cửa rừng, tuyến đường trọng điểm với hình ảnh được kết nối đến lực lượng Công an xã, kiểm lâm để theo dõi mọi diễn biến, hoạt động của "lâm tặc".
Nhớ lại lần tham gia bắt giữ vụ vận chuyển gỗ lậu cuối năm 2022, ông Nguyễn Trung Nghĩa, kiểm lâm viên địa bàn xã Chư Rcăm, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa nhớ lại, lúc đang trực chốt thì ông nhận được tin báo của người dân về một chiếc xe ô tô tải chở gỗ từ xã Ia Rsai đi qua địa bàn.
Quan sát kỹ qua hình ảnh từ camera giám sát đặt dọc tuyến đường, ông phát hiện sóng gỗ nhô phía dưới lớp bạt phủ kín thùng xe.
Sau khi nhận định tình hình, ông lập tức phối hợp cùng lực lượng Công an xã, Cảnh sát giao thông huyện tổ chức mật phục, tiến hành dừng phương tiện kiểm tra và phát hiện trên xe chở gần 2m3 gỗ bằng lăng.
Theo ông Ksor Nhật, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nội vụ huyện, UBND huyện đã ban hành quy chế thưởng nóng, từ nguồn kinh phí khen thưởng của huyện để động viên người dân phát hiện, cung cấp thông tin về tình trạng khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép.
Những tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND huyện đã khen thưởng đột xuất 1 tập thể, 7 cá nhân; từ đầu năm 2023 đến nay đã khen thưởng 1 tập thể (Công an xã Ia Rmok), 6 cá nhân của xã Chư Rcăm và 7 cá nhân khác có thành tích đột xuất trong phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện.
Kiểm lâm viên địa bàn - Nguyễn Trung Nghĩa phấn khởi cho hay: “Đi làm nhiều nơi, tham gia bắt gỗ cũng rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng. Ở các huyện mà tôi từng công tác trước giờ chưa có việc này.
Sự quan tâm, động viên, khen thưởng kịp thời đã khuyến khích các lực lượng tích cực tham gia bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn".
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng động viên người dân cung cấp thông tin liên quan đến vận chuyển gỗ lậu, làm “tai mắt” bảo vệ rừng; tùy theo tính chất vụ việc mà họ được hỗ trợ 200-500 ngàn đồng.