Cưa cây tươi, xẻ cây khô
Ngày 16/9, theo chân một người dân địa phương, PV Người Đưa Tin tiếp cận cánh rừng thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Hà Đông, xã Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Do ảnh hưởng của những trận mưa khiến con đường vào khu rừng trở nên trơn trượt, nhão nhoét bùn đất. Sau nhiều giờ di chuyển bằng xe máy PV mới đến được khu vực chân núi, đoạn đường tiếp theo, PV đành giấu xe máy vào bụi cây ven đường và tiếp tục đi bộ.
Vượt hơn một kilômét đường rừng, PV tiếp cận được khoảnh rừng bị cưa hạ. Tại đây, theo ghi nhận của PV, có nhiều cây rừng đường kính từ 20cm đến một mét mới bị cưa hạ, cành lá còn xanh, mùn cưa còn rất mới.
Lý giải về điều này, người dân đi cùng với PV cho biết: “Bây giờ, các đối tượng đi cưa hạ cây rừng rất sành sỏi. Ban đầu, họ vào rừng cưa gốc cho cây ngã xuống rồi để đó, chờ một thời gian, cây có dấu hiệu khô mới tiến hành xẻ ra thành từng khúc rồi mới chở đi. Như thế, cho dù bị cơ quan chức năng phát hiện thì hình thức xử lý nhẹ hơn, vì không xác định được người cưa cây là ai. Họ chỉ là người tận dụng cây đã bị khô, ngã đổ”.
Người này cho biết thêm, hầu hết số gỗ sau khi khai thác tại các cánh rừng được vận chuyển về bán cho những xưởng gỗ ở xã Hải Yang.
Xưởng gỗ "bủa vây" rừng
Sau khi ghi lại những hành ảnh cây rừng bị đốn hạ tại hiện trường, PV đến xã Hải Yang ghi nhận thông tin.
Theo quan sát của PV, trung tâm xã Hải Yang khoảng chừng một kilômét nhưng dọc hai bên đường là hàng loạt các xưởng chế biến đồ gỗ dân dụng nằm sát vách nhau. Nơi đây được người dân ví như “thiên đường” gỗ. Các xưởng gỗ xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” mỗi ngày. Hầu hết các xưởng gỗ tại đây gia công thành phẩm là những bộ phản, mặt bàn có kích thước “khủng”.
Theo người dân địa phương, để làm mặt bàn, mặt sập kích cỡ lớn, chủ các xưởng gỗ tại xã Hải Yang phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài (đa phần là gỗ từ Nam Phi). Mặt hàng họ nhập là những cây gỗ tròn có đường kính từ vài mét đến vài chục mét. Tuy nhiên, để làm chân đế, giá đỡ, họ sẽ đặt hàng gỗ từ người dân địa phương.
Nhiều người địa phương vào mùa giáp hạt thiếu ăn, không có việc làm sẽ lén lút vào rừng khai thác bán cho các chủ xưởng gỗ. Chính vì vậy, những cánh rừng lân cận luôn trong tình trạng “báo động”.
Ngày 16/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Khải, Phó Ban phụ trách, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa cho biết: “Thời gian gần đây, anh em cán bộ của Ban cũng thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, nhưng không phát trường hợp nào liên quan đến phá rừng. Việc thông tin báo chí phản ánh, tôi sẽ chỉ đạo anh em tiến hành kiểm tra xác minh ngay”.
Theo ông Khải, ông mới được phân công về đơn vị, mới nhận nhiệm vụ được khoảng 2 tháng nên chưa bao quát nắm hết được vị trí, số lượng các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn.
Sáng 17/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa cho biết: “Hiện tại, Hạt cũng đã triển khai lực lượng, vào hiện trường kiểm tra khu vực rừng bị phá mà PV phản ánh. Sau khi tổ công tác đi kiểm tra về, kết quả như thế nào tôi sẽ thông tin lại sau”.
Liên quan đến hàng loạt các xưởng chế biến gỗ mọc lên như “nấm” tại xã Hải Yang, ông Sơn cho biết thêm: “Vừa qua Hạt cũng đã kiểm tra thống kê, tại xã Hải Yang có 42 xưởng chế biến đồ gỗ mỹ nghệ.
Việc các đối tượng lên rừng lén lút khai thác gỗ quy cách về bán cho các xưởng này Hạt cũng đã nắm được thông tin.
Tuy nhiên, rất khó phát hiện xử lý được, bởi các xưởng gỗ nhiều. Các đối tượng chở gỗ ra vào ban đêm, chia nhỏ ra bán cho mỗi xưởng một vài cục, hoặc đem về gửi mỗi nhà một vài cục, khi cần túc tắc chở lẻ tẻ ra bán.
Vấn đề này Hạt đã đề xuất với huyện có giải pháp để gom các xưởng lại hay có cơ chế thế nào đó để dễ quản lý”.