Dự án chậm tiến độ
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, dự án Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng từ năm 2019-2020 với số vốn gần 100tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 năm xây dựng ngôi trường vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê, đơn vị thiết kế dự toán là Công ty TNHH tư vấn thiết kế Kiến Phát. Thời gian thực hiện, xây dựng công trình Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm 2019-2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của PV, công trình gồm: Khối nhà hiệu bộ, khối nhà học, khối nhà thực hành, nhà đa năng và một số các hạng mục phụ trợ khác như: Nhà bảo vệ, nhà để xe, tường rào, bể nước.
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được đầu tư xây dựng với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập bậc THPT trên địa bàn thị trấn Chư Sê. Xây dựng và phấn đấu trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia. Hoàn thành nhiệm vụ chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng.
Về nguyên nhân chậm tiến độ, trao đổi với PV ngày 22/7, ông Dương Mạnh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến các hộ dân xung quanh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước đây khu vực này là lòng hồ thuộc UBND thị trấn quản lý. Một số hộ dân đã canh tác trước thời điểm lập quy hoạch và hiện trạng họ đã trồng cây lâu năm. Xét theo quy định đất đai, huyện đã lập phương án đền bù về đất và cây cối hoa màu. Sau đó, các hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng để thi công.
Tuy nhiên, khi UBND thị trấn đi xác minh thì đất đó là đất hộ dân tận dụng, mùa khô khi nước rút xuống họ trồng các cây ngắn ngày. Hội đồng đền bù đã xem xét không đủ điều kiện để đền bù. Xét thấy các hộ dân cũng khó khăn nên hội đồng đền bù đề xuất UBND huyện cho ý kiến hỗ trợ cây cối hoa màu cho họ.
Nghiệm thu đưa vào sử dụng
Sau khi nhận tiền đền bù, các hộ dân này vẫn có kiến nghị về phần đền bù đất. Họ có đơn kêu cứu lên UBND tỉnh, UBND tỉnh đã chuyển ngược thì hội đồng đền bù UBND huyện đã giao cho thị trấn rà soát lại.
Theo ý kiến các hộ dân cho rằng, sản xuất trước thời điểm mà theo quy định của luật đất đai năm 2004 sẽ được đền bù. Ngoài ra, họ cũng có thắc mắc vì sao các hộ khác cũng ở như vậy mà được đền bù?
Theo ông Mẫn, trong các cuộc họp UBND huyện đã trả lời, vì các hộ khác ở vị trí cao hơn, đã sản xuất canh tác lâu hơn, trên đất trước khi lập phương án đền bù đã trồng cây cà phê lâu năm, có nguồn thu nhập ổn định nên được đền bù theo Luật Đất đai.
Sau khi giao UBND thị trấn rà soát, UBND huyện cũng có xem xét lại nên đã lập tiếp một phương án hỗ trợ đền bù hơn 190 triệu đồng. Còn đối với 2 hộ ngoài cổng trường chưa đồng ý phương án đền bù, huyện đã nhiều lần vận động tuyên truyền nhưng 2 hộ dân vẫn chưa đồng ý.
“Nếu 2 hộ này đồng ý phương án đền bù thì mặt tiền của cổng trường sẽ thông thoáng hơn. Nhưng nếu họ không đồng ý, theo quy định giải phóng mặt bằng vẫn để đó, lúc nào 2 hộ đồng ý thì thực hiện. Hiện nay, trường đã xây dựng toàn bộ hàng rào và cổng trường xong. Kế hoạch của UBND huyện là sẽ triển khai chuyển trường và bắt đầu năm học 2022-2023 tại trường mới.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo để hoàn thành các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng. Quan trọng trước mắt là phải làm cho xong cái thủ tục bàn giao, còn vấn đề về mỹ quan, an toàn trước cổng trường đối với 2 hộ dân, chúng tôi sẽ làm đúng quy định về giải phóng mặt bằng”, ông Mẫn cho biết thêm.
Ngày 22/7, liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Trần Minh Triều, Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Chư Sê cho biết: “Thời gian qua, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thống nhất được với người dân nên dự án bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, sáng cùng ngày, đoàn công tác các cơ quan chuyên môn đang tiến hành nghiệm thu để bàn giao công trình đưa vào sử dụng cho năm học mới 2022-2023".