Phá rừng lấy đất sản xuất
Ngày 10/4, theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, trong quý I, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 40,91%).
Tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 65,214m3 gỗ tròn, xẻ thuộc loài thông thường, 45,7 ster và hơn 18,2 tấn củi loài thông thường; 6,5kg động vật rừng và 405 cá thể chim chào mào; 7 xe ô tô, 19 xe công nông, xe độ, 26 xe máy, 9 cưa xăng và 1 công cụ khác.
Diện tích rừng bị phá là 64.645m2, diện tích cây trồng chưa thành rừng bị cháy là 248.800m2. Hiện, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 32 vụ, phạt tiền 231 triệu đồng; xử lý hình sự 2 vụ còn 28 vụ đang xác minh, xử lý.
Trước thực trạng trên, PV Người Đưa Tin đã có mặt tại “điểm nóng” phá rừng lấy đất sản xuất khu vực xã Hà Đông (huyện Đắk Đoa) để ghi nhận.
Thực tế, tại lô 14, khoảnh 8, tiểu khu 399, lâm phần do UBND xã Hà Đông quản lý có hàng trăm cây rừng có đường kính gốc từ 5 đến 20cm, chiều dài thân từ 3 đến 10m bị đốn hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất. Cây rừng bị cưa, đốn hạ trái phép thuộc nhiều chủng loại khác nhau.
Tương tự, tại lô 88b và 88d, khoảnh 3, tiểu khu 401, thuộc lâm phần do cộng đồng làng Kon Pơ Dam và UBND xã Hà Đông quản lý cũng xảy ra tình trạng phá rừng tương tự.
Hàng trăm cây rừng có đường kính gốc từ 4-15cm, chiều dài thân từ 3 đến 8m, chủng loại gồm: cầy, cám, bứa núi, dẻ trắng cũng bị các đối tượng chặt hạ. Ở gốc cây bị hạ còn in dấu công cụ chặt phá là rìu, dao rựa.
Còn tại lô 100, khoảnh 3, tiểu khu 401 cũng có 0,68ha cây rừng bị chặt hạ trái phép theo hình thức “cạo trọc” để làm rẫy. Khu vực này thuộc diện tích đất nông nghiệp do UBND tỉnh Gia Lai, giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên quản lý.
Quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Hà Đông thông tin, cuối tháng 3, qua tuần tra, lực lượng chức năng của xã đã phát hiện 3 vị trí rừng bị phá để làm rẫy tại tiểu khu 399 và 401. Tổng diện tích rừng bị chặt phá trái pháp luật khoảng 1,28ha.
Ông Việt lý giải: “Do lâm phần quản lý rộng và liền kề với khu vực rẫy của người dân trong xã nên chúng tôi gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. UBND xã đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân không được thực hiện các hành vi phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép nhưng do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều người cho rằng khu vực rừng đó trước kia đã từng đốt làm rẫy rồi chuyển sang nơi khác, nay quay lại làm chứ không phải xâm lấn rừng. Hiện, lực lượng công an đã xác định được một đối tượng liên quan và đang mở rộng điều tra, xác minh các đối tượng khác”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa cho biết: Sau khi nhận báo cáo của UBND xã Hà Đông, UBND huyện Đak Đoa đã giao Hạt Kiểm lâm và cơ quan chức năng của huyện kiểm tra, xác minh 3 vị trí rừng bị chặt phá trên địa bàn xã.
Qua kiểm tra có 3 vị trí ở tiểu khu 399 và 401 thuộc lâm phần rừng tự nhiên giao cộng đồng làng Kon Pơ Dam và UBND xã Hà Đông quản lý bị phá 0,6ha, cùng 0,68ha đất nông nghiệp quy hoạch lâm nghiệp giao Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên quản lý.
Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với Công an huyện Đak Đoa tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra và xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.