Ao, hồ trơ đáy
Chiều ngày 17/4, trước thực trạng mùa khô kéo dài, nắng hạn gay gắt khiến hàng trăm ha cây trồng của người dân bị hư hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn, thiếu nước và đề xuất các phương án xả nước về hạ du.
Tại hội nghị, theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 đợt nắng nóng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 275,8ha cây trồng bị hạn, ước giá trị thiệt hại khoảng 7,26 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Pleiku cho biết, dến thời điểm hiện nay, thành phố chưa xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, một số đập dâng, hồ tại các xã An Phú, Chư Á, Ia Kênh đã cạn nước làm hạn cục bộ 20,2ha hoa màu và 15ha lúa, thiệt hại 45-60%. Còn đối với cây cà phê, hồ tiêu người dân đã tưới đợt 4, nhưng với tình hình nắng nóng kéo dài thêm 7-10 ngày nữa thì nguy cơ không có nguồn nước tưới đợt 5 cho cây cà phê.
Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện huyện Đắk Pơ cho biết, từ giữa vụ Đông Xuân 2023-2024 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài làm mực nước trong các công trình thủy lợi, sông, suối, ao, hồ, bàu, đập trên địa bàn xuống thấp. Thậm chí nhiều ao, hồ, bàu, đập đã cạn khô, ảnh hưởng lượng nước tưới cho các loại cây trồng.
Tương tự, huyện Chư Păh, nắng hạn cũng làm 86,5ha lúa bị thiệt hại, trong đó 13,7ha thiệt hại trên 70%, 72,8ha thiệt hại 50-70%.
Ông Trần Đắc Thắng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Păh chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có 12 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay, một số công trình đã cạn nước nếu thời gian tới không có mưa, nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất”.
Tăng cường các biện pháp chống hạn
Tại hội nghị, đề cập về giải pháp phòng-chống hạn cho cây trồng, ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Pơ chia sẻ thêm: “Trước mắt, huyện tiếp tục vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ hỗ trợ nguồn nước trong sinh hoạt và tổ chức nạo vét các giếng đào. Tận dụng mọi nguồn nước để tưới cho cây trồng như: đào giếng cạn lấy nước, bơm chuyền nước lên chân ruộng cao. Còn về lâu dài cần chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi và sử dụng các giống ngắn ngày chịu hạn; phổ biến, nhân rộng các biện pháp tưới nước tiết kiệm”.
Chia sẻ về giải pháp phòng-chống hạn cho cây trồng, ông Huỳnh Văn Trưởng, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết: Để chống hạn, UBND huyện đã chỉ đạo các tổ thủy nông cơ sở triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn như: đắp đập, chặn dòng; tưới luân phiên; bơm tưới kể cả giờ cao điểm; lắp đặt máy bơm dã chiến; khoan giếng; tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới nên vụ Đông Xuân cơ bản được đảm bảo.
“Dự kiến sản xuất vụ mùa của huyện vào giữa tháng 5 đối với cây trồng cạn và cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 đối với cây lúa. Tuy nhiên, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuống giống cây trồng cạn vụ mùa 2024. UBND huyện Ia Pa cũng đề nghị Sở NN&PTNT cùng với các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Ba có kế hoạch xả nước theo quy trình về phía hạ du để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, dân sinh và chăn nuôi”, ông Trưởng nói.
Ông Nguyễn Chúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi phát biểu, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay cho đến hết mùa cạn năm 2024 trên địa bàn, để cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện nhằm xây dựng phương án điều tiết nước.
Ngoài ra, UBND các huyện Kông Chro, Đak Pơ, Ia Pa và thị xã An Khê tính toán nhu cầu sử dụng nước tưới từ nay cho đến hết mùa cạn năm 2024 cung cấp cho Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, Công ty cổ phần Đăk Srông, Công ty TNHH thủy điện Tây Nguyên để xây dựng phương án điều tiết nước ở hạ du.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.
Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp như: kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng-chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Chính quyền địa phương ác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời; thực hiện các giải pháp nạo vét các cửa sông lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích nước chết trong hồ chứa. Tổ chức kiểm kê, đánh giá mức độ thiệt hại để đề xuất hỗ trợ theo đúng quy định.