Kiểm tra thực địa
Ngày 10/7, liên quan đến vụ việc Người Đưa Tin phản ánh Kỳ lạ hàng trăm ha cao su xanh muớt đang cho mủ nhưng "vô chủ", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sau khi báo chí phản ánh UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 1590/UBND-NL chỉ đạo Sở kiểm tra, xác minh làm rõ.
Sau khi nhận được chỉ đạo, Sở đã phối hợp với UBND huyện Chư Prông, các cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra thực tế diện tích hơn 359 ha cao su trồng trái phép tại lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông.
Theo báo cáo đoàn kiểm tra gửi UBND tỉnh, tổng diện tích đất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch ở huyện Chư Prông bị lấn chiếm từ năm 2008 đến 2019 hơn 1.228 ha. Trong đó, có 868 ha đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy, 359 ha đất rừng bị một số doanh nghiệp chiếm để trồng cao su.
Đối với diện tích 1.228 ha đất rừng bị mất, lấn chiếm, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt hai cựu Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch là Nguyễn Thị Hương, Phan Quốc Huy mỗi người 3 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về diện tích 359 ha rừng bị lấn chiếm trồng cao su, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch báo cáo vẫn đang phối hợp cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cung cấp thông tin, xác minh đối tượng vi phạm, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Theo ông Hoan, điện tích hơn 359 ha bị lấn chiếm trồng trái phép trên đất rừng phân bố rải rác tại nhiều tiểu khu khác nhau, để kiểm tra đồng bộ cùng lúc trên tổng diện tích thì mất rất nhiều thời gian. Do đó, đoàn kiểm tra đã thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên ba vị trí đại diện trong tổng diện tích 359 ha đất rừng bị chiếm để trồng cây cao su.
Chưa xác định được chủ sở hữu
Phương pháp kiểm tra là quan sát bằng mắt thường, đo đạc trực tiếp trên cơ sở sử dụng thiết bị GPS cầm tay. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra xác định một trí trồng cây cao su với ghi nhận là vườn cây có chiều cao trung bình khoảng 8 m, đường kính thân 22 cm, có dấu vết của việc khai thác mủ cao su, trên cây có vết cạo và được trang bị các vật dụng phục vụ khai thác mủ.
Hai vị trí còn lại không trồng cây cao su, được xác định Công ty Cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã và đang tiến hành điều tra, xác minh, đối với 1.228 ha đất rừng bị lấn chiếm; trong đó 868 ha đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy, 359 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su.
Như vậy, kết quả kiểm tra, xác minh, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai vẫn chưa xác định những đơn vị, doanh nghiệp nào trước đây đã phá rừng, trồng trái phép 359 ha cao su trên đất rừng; cũng như chưa làm rõ đơn vị nào đang khai thác diện tích cao su trên, sản phẩm khai thác đi về đâu mà báo chí đặt ra.
Ngày 10/7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai, nhiều đại biểu thắc mắc về việc hàng trăm ha cao su trồng trái phép trên đất rừng nhưng lại vô chủ. Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Ra Lan Song Linh, Phó ban văn hoá xã hội HĐND tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi vụ việc hàng trăm ha cao su trồng trái phép trên đất rừng kéo dài hơn 10 năm. Điều đáng nói, hàng trăm ha cao su này xanh tốt, hàng năm vẫn có người chăm sóc, vẫn cho mủ. Vậy ai là chủ sở hữu và số mủ thu hoạch sẽ đi về đâu. Như vậy, các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác quản lý, chức tránh, nhiệm vụ của mình hay chưa.
Trả lời chất vấn trên, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, thừa nhận năm 2021, tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh ba loại rừng được HĐND tỉnh thông qua, diện tích rừng tự nhiên giảm đến 64.966 ha.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân chênh lệch giảm phần lớn do sai sót trong quá trình kiểm kê rừng, khi rà soát điều chỉnh ba loại rừng chưa rà soát, cập nhật lại. Trong đó, diện tích rừng tại các ban quản lý, các công ty lâm nghiệp giảm hơn 8.880 ha; rừng bị phá 130 ha. Ông Lưu Trung Nghĩa thừa nhận trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Sở NN&PTNT.
Về vụ 359 ha rừng bị lấn chiếm trồng cao su trái phép ở huyện Chư Prông, ông Lưu Trung Nghĩa, nói sai phạm này xảy ra từ những năm 2010, 2011. Vụ việc được Thanh tra tỉnh kết luận năm 2019. Đến năm 2020, vụ việc được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý.
"Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo chủ rừng phối hợp cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai xác minh để sớm có kết luận, xử lý theo quy định pháp luật", ông Nghĩa nói.
Trước đó, Người Đưa Tin đã phản ánh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đang quản lý 359 ha cao su trong lâm phần của mình nhưng không xác định đơn vị nào đã trồng không phép diện tích cao su này trên đất rừng, cũng không hề biết hiện nay ai đang khai thác, nguồn mủ cao su khai thác đi về đâu. Chính quyền địa phương cũng không rõ diện tích cao su này của đơn vị nào trong khi hàng ngày vẫn được khai thác bình thường.
Hiện trên địa bàn xã Ia Puch có hơn 9.000 ha cao su của năm công ty, gồm Cao su Trung Nguyên, Bình Dương, Quang Đức, Quốc Cường Gia Lai, Cao su Chư Prông. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã phục hồi điều tra vụ việc hủy hoại 359 ha rừng để trồng cao su xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.
Theo hồ sơ vụ án, trong 2 năm 2010 và 2011, UBND tỉnh Gia Lai ban hành 4 quyết định thu hồi đất rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để giao Công ty Bình Dương chuyển sang trồng cao su.
Thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Trần Văn Khanh, Giám đốc và Dương Công Tư, Trợ lý Phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Bình Dương đã khai thác vượt phạm vi cho phép, hủy hoại hơn 631,1 ha rừng (trong đó có 9,97 ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr). Năm 2015, Trần Văn Khanh và Dương Công Tư bị bắt. Tháng 10/2019, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Khanh 6 năm tù, Tư 3 năm tù về tội "Hủy hoại rừng".