Theo cáo buộc, Liên vốn không có công việc ổn định. Do muốn có tiền tiêu, bị cáo “săn” đàn ông để lừa tiền. Ngày 29/12/2021, Liên dùng tài khoản Facebook kết bạn và nhắn tin với anh Đ. rồi giới thiệu với anh này mình là mẹ đơn thân, tên là Nguyễn Khánh Hòa, mang quân hàm Trung tá và đang công tác ở Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng.
Liên cũng nói dối anh Đ. rằng bố bị cáo công tác trong quân đội và đã nghỉ hưu còn bản thân mình là trưởng ban cố vấn cho đội tuyển Pencak silat tham dự Seagame 31.
Thời điểm đó, Liên giao hàng rau củ cho một doanh trại quân đội nên đã chụp được hình ảnh tập luyện và bữa ăn của bộ đội. Bị cáo gửi những hình ảnh chụp được qua Zalo cho anh Đ. khiến anh này tin tưởng Liên là sỹ quan quân đội. Cũng có lần Liên mặc quân phục của người bạn thuê trọ gần nhà rồi chụp ảnh gửi cho anh Đ.

Bị cáo Liên giả làm nữ sĩ quan "đơn thân" lừa cả tình lẫn tiền của của người đàn ông. Ảnh: TN
Sau thời gian liên lạc, với thân phận bịa ra, Liên đã lấy được cảm tình của người đàn ông nhẹ dạ. Hai bên phát sinh quan hệ tình cảm, thường xuyên gọi video call cho nhau. Liên nói dối người tình rằng mình có khả năng giúp anh Đ. chuyển công tác từ tỉnh Bắc Giang về Hà Nội.
Liên bảo anh Đ. chuẩn bị hồ sơ còn bị cáo đi gặp lãnh đạo Bộ GD&ĐT để lo chuyển việc cho anh Đ. Sau đó, Liên thông báo cho người tình biết chi phí để chuyển công tác hết 90 triệu đồng. Tin lời Liên nói là thật, ngày 24/2/2022, anh Đ. xuống Hà Nội gặp Liên, ra ngân hàng rút 90 triệu đồng đưa cho bị cáo.
Sau khi nhận tiền, Liên không thực hiện như cam kết, không xin chuyển công tác cho người tình mà sử dụng toàn bộ số tiền trên để chi tiêu cá nhân.
Đến đầu tháng 3/2022, Liên tiếp tục nói dối anh Đ. về việc mình có vườn cà phê ở Lâm Đồng, một mảnh đất ở Đà Nẵng và đang nợ 30 triệu đồng mua phân bón. Nghe tình nhân nói vậy, anh Đ. đã chuyển khoản cho Liên vay tiền trả nợ.
Khoảng 1 tháng sau, Liên bảo anh Đ. sau này chuyển công tác xuống Hà Nội thì nên tìm mua nhà để cùng chung sống với bị cáo. Để lừa tiền của tình nhân, Liên lên mạng tìm thông tin căn nhà 5 tầng ở Hà Nội đang được rao bán với giá là 2,2 tỷ đồng.
Bị cáo gửi thông tin ngôi nhà và nói dối có thể lo được khoảng 1,6 tỷ đồng, hy vọng Đ. sẽ lo nốt số tiền còn lại. Ngày 29/4/2022, anh Đ. lại ra ngân hàng rút 500 triệu đồng đưa cho Liên để góp tiền mua nhà chung.
Khi chưa kịp tiêu số tiền trên, ngày 18/5/2022, Liên bị Công an Hải Phòng bắt theo lệnh truy nã vì lừa đảo một người dân tại đây. Khi bị bắt, Liên đưa lại cho mẹ đẻ balo chứa số tiền của anh Đ. nhưng không nói nguồn gốc từ đâu mà có.
Người mẹ nghĩ tiền của Liên nên sử dụng để chăm sóc con Liên, vốn bị bệnh tự kỷ, cần thăm khám, thuốc men. Bà còn dùng 185 triệu đồng trong đó để nộp khắc phục hậu quả việc Liên lừa đảo người khác ở Hải Phòng.
Ngày 1/7/2022, Liên được tại ngoại và lập tức nói với anh Đ.: "Mình vừa bị bắt tạm giam, nay được về nhà" đồng thời mời anh xuống Hải Phòng chơi. Gặp nhau, bị cáo mới cho anh biết tên thật của mình và thừa nhận không phải sĩ quan quân đội, đã chi tiêu hết số tiền anh đưa. Do đó, anh Đ. đã gửi đơn trình báo đến cơ quan điều tra đề nghị giải quyết.
Cáo trạng xác định, người bị hại là anh Đ. đã đưa cho bị cáo Liên tổng số 620 triệu đồng. Liên lừa đảo chiếm đoạt tiền của tình nhân và không có khả năng khắc phục.
Kết thúc phiên xét xử, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Liên mức án 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khánh Linh (t/h theo VietNamNet, Dân việt)