Giá lợn hơi đồng loạt "lặng sóng"
Theo Thế Giới và Việt Nam, qua khảo sát, giá lợn hơi tại miền Bắc đi ngang trên diện rộng.
Trong đó, lợn hơi tại hai tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc được giao dịch cùng mức 49.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động mới, hiện thu mua lợn hơi với giá 48.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Hiện giá lợn hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên ổn định.
Cụ thể, 48.000 đồng/kg là mức giao dịch thấp nhất khu vực tiếp tục được chứng kiến tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi.
Cùng thời điểm khảo sát, giá lợn hơi tại hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận duy trì ở mức 51.000 đồng/kg. Các địa phương khác tiếp tục thu mua lợn hơi với giá trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi tại miền Nam lặng sóng
Cụ thể, 52.000 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất khu vực vẫn được ghi nhận tại Vũng Tàu và Cà Mau.
Trong khi đó, thương lái tại tỉnh Trà Vinh đang thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 49.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại duy trì giá thu mua trong khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mỗi con lợn xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.
Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi.
Giá lợn thấp, hầu như không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp
Thông tin trên Người Lao Động, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, cổ phiếu HAG), có thư gửi cổ đông về kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2022.
Trước đó trong tháng 12/2022, giá lợn hơi thấp hơn tháng 11/2022 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất - kinh doanh của HAGL, lợi nhuận trong tháng cuối cùng của năm 2022 chỉ còn 66 tỷ đồng, giảm đến 42% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá lợn thời gian gần đây giảm mạnh dù bước vào mùa tiêu thụ cuối năm.
Thực tế, hiện giá lợn hơi khu vực Đông Nam Bộ xoay quanh mức thấp trong khi chi phí chăn nuôi tăng. Theo giới chăn nuôi, với mức giá này, người nuôi lợn xuất chuồng thời điểm này đang lỗ 500.000 đồng/con; các doanh nghiệp nuôi lợn đa số huề vốn, trừ những doanh nghiệp có lợi thế riêng có thể lãi nhẹ.
Trong cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư hồi tháng 2/2023, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết, năm 2023, doanh nghiệp này sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh quanh mặt hàng chủ lực là chuối, đồng thời không đưa lợi nhuận của mảng chăn nuôi lợn vào giai đoạn này vì đang không có lời.
Trong chia sẻ mới đây, nhìn lại năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL - đánh giá bằng 2 chữ "khó lường". Trong nửa đầu năm, tình hình kinh doanh rất thuận lợi nhưng cuối năm thay đổi phức tạp.
Sang 2023, thị trường tiếp tục đi xuống. Với 2 mảng chính là trồng chuối và nuôi lợn (cùng gà nuôi thí điểm), HAGL cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề.
Với lợn, ông Đức nhận xét vào giai đoạn cuối năm, giá lợn giảm xuống thấp dẫn đến kết quả không như kỳ vọng, nhưng may mắn là giá chuối tăng. HAGL may mắn hơn các doanh nghiệp khác là tận dụng chuối thải để nuôi lợn, nên không những không lỗ mà vẫn có lãi. Nếu không có chuối, lợn của HAGL chắc chắn lỗ.
"Hiện tại, ngành lợn vẫn ở trong tình trạng giá thấp và sức mua yếu. Với tình hình này, nông dân chắc chắn lỗ và dẫn đến hiện tượng bỏ chuồng. Phía doanh nghiệp chưa chắc có tình trạng này", ông Đức đánh giá.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, một doanh nghiệp chăn nuôi khác có thị phần phần lớn tại Việt Nam, mỗi ngày bán ra khoảng 15.000-17.000 con cũng đang có lượng lợn tồn ứ, chờ tiêu thụ.
Trước đó ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, trong giai đoạn gần đây, giá lợn hơi xuống rất sâu, chăn nuôi lỗ nhiều. Với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 - 52.000 đồng/kg, còn nông hộ 54.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi giá bán chưa được 50.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, hiện đàn lợn đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua thường nhu cầu tăng cao nhưng không tăng. Nguyên nhân do thu nhập người dân thấp, sức mua giảm.
Theo Công Thương, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam 2 tháng đầu năm đạt gần 744,14 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 284,54 triệu USD, tăng mạnh 67,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 16,8%, đạt trên 125,13 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ.
Tiếp đến thị trường Ấn Độ, 2 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này tăng 139,2% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 83,28 triệu USD, chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Đông Nam Á trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 8,5% so với 2 tháng đầu năm 2022, đạt 48,86 triệu USD.
Trúc Chi (t/h)