Giá lúa gạo xu hướng tăng: Liên kết chuỗi giá trị, kỳ vọng bứt phá

Giá lúa gạo xu hướng tăng: Liên kết chuỗi giá trị, kỳ vọng bứt phá

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 7, 27/04/2024 14:31

Triển khai nhiều giải pháp, các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo với mục tiêu lớn về kim ngạch xuất khẩu.

Phấn khởi giá trị xuất khẩu

Giá lúa gạo ngày 26/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tăng với lúa. Thị trường giao dịch sôi động. Cụ thể, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 7.500 - 7.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, lúa Nếp Long An (khô) giá ổn định 9.600 - 9.800 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 giá ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; Lúa OM 18 giá 8.000 - 8.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; Lúa Nhật giá 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại các địa phương khác cũng cho thấy thị trường lúa giao dịch sôi động hơn. Giá lúa các loại có xu hướng nhích so với hôm qua. Tại Đắk Lắk nhu cầu mua lúa nhiều hơn, giá lúa cao.

Trên thị trường, giá gạo có xu hướng đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. theo đó, gạo thành phẩm IR 504 duy trì quanh mốc 13.900 - 14.000 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu IR 504 ổn định quanh 11.650 - 11.800 đồng/kg.

Tại kênh chợ gạo Sa Đéc (Đồng Tháp) lượng về ít, chất lượng yếu, kho chợ mua cầm chừng, gạo đẹp giá nhích. Tại Lấp Vò (Đồng Tháp) lượng về ít, giao dịch mua bán cầm chừng do bạn hàng chào giá cao. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm hôm nay đi ngang. Theo đó, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mức 11.400 - 11.500 đồng/kg; cám khô dao động quanh mốc 5.550 - 5.600 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ ở khu vực tỉnh An Giang, giá gạo đang đi ngang. Hiện giá gạo thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.500 - 19.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 26.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg.

Gạo trắng thông dụng 18.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 19.500 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.000-19.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 18.500 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định sau phiên giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 553 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 470 USD/tấn.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý 1/2024, xuất khẩu gạo đạt gần 2,2 triệu tấn với trị giá thu về 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng đến 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đều tăng trưởng cao ở mức hai con số. Bình quân quý 1 năm nay, giá xuất khẩu đạt 654 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quý 1/2024, lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Hiện chiếm hơn 32% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như: gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.

Nâng cao liên kết sản xuất, thương mại

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng hơn 14% về lượng và tăng hơn 35% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng hơn 18% so với mức bình quân năm 2022.

Hiện trong nước đang vào cuối vụ Đông Xuân, vụ mùa lớn nhất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên sản lượng dồi dào, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường trên thế giới vẫn được dự báo ở mức cao hơn tổng cung toàn cầu nên giá gạo xuất khẩu vẫn được kỳ vọng tăng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2023 ghi nhận kết quả xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, hiệu quả xuất khẩu lại khá hạn chế do hầu hết các thương nhân đều gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn lưu động, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của doanh nghiệp.

Thêm nữa, khó khăn hiện nay là hiện tượng thời tiết, rủi ro... và tâm lý thận trọng trên thị trường trong nước và quốc tế kéo tiếp tục kéo dài, buộc các thương lái, kho vệ tinh lẫn doanh nghiệp đều phải giao dịch rất thận trọng khi chỉ tiến hành cung ứng/ký kết các đơn hàng giao ngắn ngày. Trong khi tín dụng vẫn là vấn đề được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhiều nhất.

Về vấn đề xây dựng thương hiệu, theo các doanh nghiệp, đó là tình trạng mạnh ai nấy làm, ít chia sẻ với nhau, tính liên kết mong manh, dễ vỡ, chuyện lúa mua bán tại ruộng thì dễ bị ép giá cũng là điều dễ hiểu.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức các hội nghị đối thoại song phương với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin được chia sẻ và tiếp nhận đúng với trọng tâm và phù hợp với thực tiễn của ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Nam cũng đề xuất đánh giá lại đặc thù thổ nhưỡng của từng vùng canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như vai trò của từng mắt xích trong chuỗi cung ứng lúa gạo toàn vùng, tránh tình trạng đánh giá cục bộ theo từng địa phương.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho biết, để đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thực tế doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ cao theo chuỗi dây chuyền khép kín, đồng thời bao tiêu lúa cho nông dân theo vụ mùa với số lượng lớn.

Với hạn mức tín dụng như 2 năm trước đây thì doanh nghiệp ổn định, nhưng hiện nay chi phí tăng rất cao, vừa qua giá lúa gạo cũng tăng quá cao nên doanh nghiệp gặp khó khi vốn vơi dần.

“Để đảm bảo thu mua cân đối cho nông dân, ổn định giá thành tồn kho trước khi đi ký hợp đồng xuất khẩu, góp phần an ninh lương thực quốc gia và doanh nghiệp, chúng tôi cần mở rộng hạn mức ngân hàng, giảm lãi suất để doanh nghiệp luân chuyển được hàng hóa theo vụ mùa, linh hoạt trong giải ngân, tránh tình trạng bán đổ bán tháo để được hợp đồng, có hợp đồng trước mới được giải ngân, cái này rất nguy hiểm cho doanh nghiệp”, bà Huyền kiến nghị.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.