Giá lúa mì trên toàn cầu đã tăng cao đến mức khiến người tiêu dùng châu Phi phải bắt đầu loại bỏ loại ngũ cốc này khỏi chế độ ăn của họ. Các nhà sản xuất thực phẩm ở Kenya, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Cameroon cho biết họ đang trộn các sản phẩm thay thế rẻ hơn vào món bánh mì, bánh ngọt và mì ống pastas của mình.
Gạo, bột mì và cao lương tại các địa phương châu Phi đang dần thay thế cho lúa mì. Giá lúa mì đã tăng đột biến khoảng 40% trong năm nay do xung đột quân sự đã dẫn tới nguồn cung từ Ukraine bị thu hẹp, vốn là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu loại hàng này.
Nguồn cung lúa mì toàn cầu có thể giảm hơn nữa do Ấn Độ đang xem xét hạn chế xuất khẩu, nguyên nhân do các đợt nắng nóng nghiêm trọng đã gây thiệt hại cho mùa màng, theo Bloomberg News đưa tin.
Trước đó, Ấn Độ đã hạ dự báo sản lượng cho mùa vụ này, nhưng khẳng định có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trong nước. Bà Shirley Mustafa, nhà kinh tế chuyên về thị trường gạo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), cho biết: “Chúng ta có thể thấy một số sức ép đối với các loại ngũ cốc thô sản xuất trong nước khi nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn”.
FAO đã hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2022 xuống còn 782 triệu tấn, con số này thấp hơn 2 triệu tấn so với dự báo đưa ra hồi tháng trước nhưng vẫn cao hơn 5,4 triệu tấn (0,7%) so với năm ngoái. Việc hạ triển vọng sản lượng chủ yếu là do quan ngại về tác động của hạn hán ở Mỹ và diện tích thu hoạch ở Ukraine dự kiến giảm 20%.
Các loại cây trồng trong nước ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn thương mại và lạm phát toàn cầu, do đó được xem như một giải pháp ứng phó với giá lương thực thế giới đang tăng cao.
Kenya nhập khẩu khoảng 44% lúa mì của mình từ khu vực Biển Đen, giá tăng cao đã thúc đẩy lạm phát của quốc gia này lên tới 6,5% vào tháng 4 vừa qua. Unga Group Plc, công ty sản xuất bột mì nhãn hiệu Exe và bột ngô Jogoo có trụ sở tại Nairobi (thủ đô Kenya), chia sẻ rằng doanh số bán hàng gạo và bột mì Amana của hãng đang có sự thay đổi.
Ông Joseph Choge, Giám đốc điều hành Unga Group Plc, cho biết: “Giá ngô và lúa mì tăng vọt khiến người tiêu dùng chuyển sang các loại hàng thay thế khác. Doanh số bán gạo đang tăng lên, trong khi doanh số lúa mì đang giảm xuống".
Ai Cập hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn hàng đầu thế giới, với hơn 80% lượng nhập khẩu đến từ Ukraine và Nga. Đối mặt với áp lực đó, hãng sản xuất mì ống Swiss Group của Ai Cập đang thử nghiệm các công thức nấu nướng mới sử dụng bột gạo, ngô và đậu lăng.
Nestle Nigeria Plc, công ty sản xuất ngũ cốc mang thương hiệu Golden Morn đặt trụ sở tại Nigeria, đang đẩy mạnh giới thiệu các loại cây trồng sản xuất tại địa phương bao gồm cao lương và đậu nành vào dòng sản phẩm của mình.
Chính phủ Congo đã thông qua chương trình hỗ trợ sản xuất bột mì để làm bánh nhằm giảm phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Julien Paluku cho biết trên Twitter.
Ông Andre Wameso, cố vấn phụ trách các vấn đề kinh tế cho tổng thống Congo, nhận định: “Nếu phần lớn các sản phẩm này có thể được sản xuất tại địa phương, chúng ta sẽ ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng Ukraine hơn”.
Đất nước Cameroon nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn lúa mì hàng năm, là một trong số mười quốc gia nhập khẩu hàng đầu ở khu vực châu Phi cận Sahara, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Sản xuất trong nước suy giảm đã khiến quốc gia này phải đình chỉ hoạt động xuất khẩu bột mì, gạo và ngũ cốc sang các nước láng giềng.
Động thái này diễn ra sau khi chính phủ Cameroon tăng giá bánh mì lên 20% vào tháng 3 vừa qua, dẫn tới việc một số công ty thực phẩm chuyển hướng sang khoai tây thay thế.
Ông Sylvanus Nsaichia Kiyung, một nông dân ở thị trấn Santa (Cameroon), cho biết: “Nhu cầu đối với khoai tây Ireland của các nhà sản xuất bánh mì đã tăng lên rất nhiều. Tôi đang có kế hoạch mua thêm đất nông nghiệp và trồng thêm khoai tây để đáp ứng nhu cầu. Tất cả bảy tấn khoai tây mà tôi sản xuất năm nay đã được thông quan ”.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Pro Farmer)