Theo một nghiên cứu khoa học của các bác sĩ người Mỹ, hiện nay, y học có thể “hồi sinh” người chết trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi tắt thở. Trong 20 năm tới, con số này là 24 giờ. Tuy nhiên, người chết hồi sinh sau 15 năm thì chắc chỉ có ở Việt Nam.
Vụ việc đó xảy ra tại xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Một người đàn ông đã mất cách đây 15 năm nhưng vẫn ký tên nhận trợ cấp chính sách với người có huân, huy chương kháng chiến theo Nghị định 28 của Chính phủ. Chuyện thật như đùa này xuất phát từ sự nhầm lẫn sai sót của hội đồng chính sách xã thời kỳ 1995-1996. Theo đó, năm 1995, tại xã có 2 người tên Khang cùng làm hồ sơ nhận trợ cấp một lần. Trong khi rà soát, 33 người có hồ sơ mất trước ngày 1/1/1995 không thuộc Nghị định 28 nên đã dừng chi tiền cho các đối tượng. Ông Nguyễn Văn Khang (đã mất) là một trong số đó. Vậy là ông Nguyễn Khang còn sống đã ký nhận “thay” cho ông Khang đã mất.
Ngoài ra, báo cáo về kết quả xác minh vụ việc của UBND huyện Diễn Châu còn khẳng định không có chuyện cán bộ lập hồ sơ khống để nhận tiền chính sách và số tiền trợ cấp cho 33 người không trong danh sách trên đã được nộp lại Ngân sách (dù không có gì chứng minh việc này).
Người đã mất vẫn “mang tiếng” nhận tiền, trong khi ở xã láng giềng Diễn Hải, 1.427 hộ dân bị “om” tiền hỗ trợ thiên tai trong suốt 6 năm liền. Cụ thể, trong 2 đợt rét đậm, rét hại vụ xuân và bão số 2 vụ hè thu năm 2011, người dân tại tỉnh Nghệ An đã lâm vào cảnh khốn đốn. Thế nhưng, theo người dân xã Diễn Hải phản ánh với báo chí, cả tỉnh có 32 xã mà chỉ có xã Diễn Hải không được hỗ trợ là điều khiến họ thắc mắc nhưng không dám lên tiếng. Chỉ đến khi đoàn Giám sát của HĐND xã phát hiện ra số tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp do mưa lũ hơn 148 triệu đồng từ UBND tỉnh Nghệ An và 100 triệu đồng của UBND huyện Diễn Châu từ 6 năm về trước vẫn chưa đến được tay người dân thì họ mới biết đến sự tồn tại của số tiền này.
Lý do mà chính quyền xã biện hộ là bởi danh sách HTX nông nghiệp lập không khớp với số diện tích bị thiệt hại của bà con nên UBND xã và ban Tài chính xã chưa thể chi trả số tiền trên cho các hộ dân.
Ông Trần Văn Tiến – Chủ tịch HĐND xã Diễn Hải thời điểm năm 2011 trả lời PV báo VTC: “Sau thiên tai, Hợp tác xã nông nghiệp Diễn Hải lập danh sách để chi trả cho dân nhưng xã thấy danh sách chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên đang còn lui lại để làm rõ mà chưa trả cho dân được". Hiện ông Tiến đã lên làm Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hải.
Còn ông Phan Văn Thuyên, Chủ tịch UBND xã Diễn Hải hiện tại cho rằng thời điểm đó ông chưa làm Chủ tịch xã nên không nắm rõ.
Chưa dừng lại ở đây, trong số hơn 250 triệu đồng hỗ trợ ấy có hơn 136 triệu đồng được rút khỏi kho bạc về nhập quỹ nhưng chưa chi trả cho dân. Trả lời cho câu hỏi trong tận 6 năm vẫn chưa làm rõ được số liệu sổ sách thì đến bao giờ người dân mới nhận được số tiền đó, ông Trần Văn Tiến cho biết: “Anh em cũng đang làm để đến tháng 6/2017 tới đây sẽ trả".
Thực ra, việc tại sao trong 6 năm qua người dân không nhận được tiền còn quan trọng hơn việc họ nhận được bao nhiêu. Và không hiểu số tiền trong 2 vụ việc trên, nếu đã “đi lạc” đâu đó thì có biết “cải tử hoàn sinh” cho người dân được nhờ?
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả