Tối 24/1, mạng xã hội lan truyền văn bản được cho là của bộ GD&ĐT về việc tổ chức cổ vũ U23 Việt Nam trong trận chung kết giải U23 châu Á vào chiều 27/1.
Theo văn bản có dấu đỏ, có chữ ký của "Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký", bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo, trường đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp sư phạm cho sinh viên, học sinh nghỉ học chiều 27/1. Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản giả mạo.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cho biết: "Tôi đã thôi công tác quản lý từ tháng 12/2017 nên văn bản không thể do tôi ký được". GS.TSKH Bùi Văn Ga đã hết tuổi làm công tác quản lý từ ngày 1/12/2017. Hiện nay, ông giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại ĐH Đà Nẵng.
Khẳng định trên Vietnamnet, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng – người phát ngôn của bộ GD&ĐT cho hay: “Đây là công văn giả mạo, Bộ đang đề nghị cơ quan công an vào cuộc để điều tra làm rõ, đồng thời Bộ đã có văn bản gửi đến các sở GD&ĐT, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước cảnh báo về văn bản giả mạo này".
Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: Văn bản của cơ quan tổ chức là những phương thức để tham gia vào các mối quan hệ dân sự, hành chính kinh tế... có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội... Vì vậy, việc ban hành các tài liệu, sử dụng các con dấu của cơ quan tổ chức phải được thực hiện theo những trình tự, thủ tục luật định.
Hành vi giả mạo tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này có thể dẫn đến những biến đổi, tác động lớn trong đời sống xã hội, có thể gây thiệt hại đến kinh tế của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý xã hội của nhà nước. Vì vậy Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự 2015 hiện nay đều quy định về tội Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tội Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 267. Theo Điều luật này thì hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu, con dấu đó vào mục đích lừa dối cơ quan chức năng thì đều bị xử lý về tội danh này.
"Bộ luật Hình sự năm 2015 đang áp dụng hiện nay vẫn có tội danh này nhưng sửa đổi tên điều luật để làm rõ về hành vi làm giả và hành vi sử dụng đều là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự về tội danh này. Cụ thể là Điều 341, tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Vì vậy trong trường hợp này, cơ quan điều tra có thể truy tìm nguồn gốc của văn bản đó, tìm ra người đã làm ra văn bản đó để xem xét xử lý theo Điều 341", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Vị trưởng VP Luật sư Chính Pháp nhấn mạnh: "Khi đã có căn cứ xác định người làm ra công văn này của bộ GD&ĐT thì cần xem xét về động cơ mục đích và xem xét về chủ thể, độ tuổi, mức độ nhận thức của người thực hiện hành vi này thì mới đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
Nếu người nào bị xử lý về tội danh này thì cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự bởi nhận thức pháp luật hạn chế, có suy nghĩ không thấu đáo trong không khí đội tuyển U23 Việt Nam đang có những chiến thắng tưng bừng lên thành và có thể sẽ ở mức độ phù hợp với tính chất sự việc và hoàn cảnh đang diễn ra".
Việt Hương