Giá mì giảm mạnh, nông dân Gia Lai chật vật cầm cự chờ giá lên

Giá mì giảm mạnh, nông dân Gia Lai chật vật cầm cự chờ giá lên

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 4, 04/12/2024 15:07

Thời điểm này, mì bắt đầu vào vụ nhưng giá thấp, kèm mất mùa khiến nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai cố cầm cự chưa thu hoạch, chờ giá lên.

Điệp khúc mất mùa rớt giá

Bắt đầu từ tháng 10, người dân trồng mì tại các huyện của tỉnh Gia Lai bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất mì giảm và giá cả thấp, nhiều nhà vườn phải cầm cự, chờ giá lên mới thu hoạch.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, toàn huyện hiện có hơn 4.000ha mì đang và chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, người trồng mì đang gặp khó khăn do giá thấp hơn so với những năm trước, trong khi năng suất cũng giảm vì nhiều yếu tố tác động.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, chia sẻ với Người Đưa Tin: "Niên vụ mì năm nay, toàn huyện có hơn 4.000ha, trong đó có một diện tích lớn mì trồng 2 năm (mì lỡ) đang chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, năng suất mì năm nay giảm từ 5-7 tấn/ha, giá bán giảm xuống chỉ còn từ 1.500-2.000 đồng/kg, khiến người trồng mì lỗ vốn".

Giá mì giảm mạnh, nông dân Gia Lai chật vật cầm cự chờ giá lên- Ảnh 1.

Mì mất mùa, rớt giá.

Theo ông Quý, năng suất mì giảm năm nay là do nhiều yếu tố tác động. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân sử dụng giống mì cũ, dễ bị bệnh khảm lá.

Mặc dù giống này đã được trồng lâu dài, nhưng lại khan hiếm vì các vụ trước mì bị mất mùa, ít cây đạt chất lượng để làm giống cho các vụ sau. Việc sử dụng giống mới phải nhập từ Tây Ninh với giá cao từ 65.000-70.000 đồng/bó, gây khó khăn cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hiện tượng El Niño, hạn hán kéo dài, mưa ít, đã khiến cây mì không phát triển tốt, năng suất giảm, kéo theo giá thu mua thấp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Quý cho biết: "Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hợp tác với Trường đại học Tây Nguyên, đơn vị cung cấp giống mì mới có năng suất cao và khắc phục được bệnh khảm lá.

Trường đại học Tây Nguyên đã đồng ý hỗ trợ giống cho bà con với giá rẻ, chỉ 25.000 đồng/bó. Ngoài ra, trường cũng cam kết cử chuyên gia về địa phương để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây mì. Đối với những khu vực có đất không phù hợp với trồng mì, huyện đã liên hệ với nhà máy đường để hỗ trợ chuyển sang trồng mía".

Giá mì giảm mạnh, nông dân Gia Lai chật vật cầm cự chờ giá lên- Ảnh 2.

Theo ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, mì giống cũ, kèm theo thời tiết khắc nghiệt khiến cây phát triển kém.

Thu hoạch cầm chừng

Ngoài cánh đồng, cả gia đình anh Trần Văn Hưng (ngụ xã Ia Peng, huyện Phú Thiện), đang miệt mài thu hoạch mì. Anh Hưng buồn bã chia sẻ với PV: "Gia đình tôi có 3ha mì đang thu hoạch. Chi phí đầu tư cho giống, phân bón và công chăm sóc dao động từ 20-25 triệu đồng/ha. Với giá mì hiện tại chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, chúng tôi đang bị lỗ vốn".

Anh Hưng cho biết, giá bán mì thấp khiến việc thuê nhân công trở nên khó khăn. Vì vậy, anh phải huy động các thành viên trong gia đình và đổi công với bà con trong làng để tiết kiệm chi phí.

Tại xã Ia Lâu (huyện Chư Rông), mặc dù mì đã đến thời điểm thu hoạch, nhiều người dân vẫn quyết định "cầm cự" chờ giá lên.

Anh Nguyễn Văn Hợp, một nông dân ở xã Ia Lâu, chia sẻ: "Gia đình tôi có 4ha mì đã đến ngày thu hoạch, nhưng tôi vẫn quyết định để lại hy vọng giá mì tươi sẽ nhích lên trong vài ngày tới, giúp giảm bớt thiệt hại. Năm ngoái, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi còn thu được khoảng 70 triệu đồng từ 4ha mì".

Giá mì giảm mạnh, nông dân Gia Lai chật vật cầm cự chờ giá lên- Ảnh 3.

Giá thu mua thấp khiến người trồng mì lỗ.

Thông tin với PV, ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho hay: "Toàn xã hiện có khoảng 400ha mì. Từ tháng 10 đến nay, người dân bắt đầu thu hoạch mì lỡ vụ (trồng 2 năm). Tuy nhiên, với giá mì tươi chỉ còn từ 1.700 – 2.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã quyết định không thu hoạch vì sợ sẽ bị lỗ".

Ông Lâm Đức Chính, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột mì An Khê, cho biết: "Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá mì nguyên liệu đã giảm mạnh, chỉ còn 2.300 đồng/kg đối với mì đạt 30 độ tinh bột, trong khi mì có độ tinh bột dưới 30 chỉ dao động ở mức từ 1.800 – 2.000 đồng/kg, thấp hơn hơn 1.000 đồng/kg so với năm ngoái".

Theo ông Chính, nguyên nhân chính khiến giá mì nguyên liệu giảm, do thị trường Trung Quốc chưa thu mua tinh bột mì từ các nhà máy chế biến, dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng mì lớn nhất cả nước, với hơn 80.000ha. Vào năm 2023, giá mì tăng cao, mang lại lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha cho nông dân.

Tại tỉnh, có 5 nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất lên đến 1.000 tấn thành phẩm/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tỉ lệ chế biến tinh bột mì từ nguồn nguyên liệu trong tỉnh đạt gần 50%.

Tuy nhiên, đến năm 2024, giá mì tươi trên thị trường bất ngờ giảm mạnh, gây khó khăn không chỉ cho nông dân mà còn cho các nhà máy chế biến.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.