Tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) vừa công bố báo cáo cho thấy nếu Ukraine gia nhập EU, nước này sẽ nhận được bao nhiều tiền từ ngân sách của khối, với 2 trường hợp: Ukraine giữ nguyên trạng lãnh thổ, dân số và nguồn lực kinh tế như hiện nay; hoặc Ukraine giành lại được các khu vực ở miền Đông mà Nga đang kiểm soát.
Những con số được đưa ra…
Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Kiev đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Kể từ đó, Hội đồng châu Âu đã cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine vào tháng 6/2022, và đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với quốc gia Đông Âu từ tháng 12/2023.
Trang Euronews hôm 7/3 dẫn báo cáo của Bruegel cho biết, nếu khả năng Ukraine gia nhập EU thành hiện thực, quốc gia đang chìm trong xung đột này có thể nhận được 110-136 tỷ Euro từ ngân sách 7 năm của khối, tương đương 0,10-0,13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU.
Báo cáo sử dụng các quy tắc và thiết kế hiện có của ngân sách 2021-2027 để đưa ra dự báo về số tiền mà Ukraine sẽ được hưởng sau khi được kết nạp.
Con số của Bruegel đã loại trừ chi phí tái thiết khổng lồ, ước tính lên tới ít nhất 450 tỷ Euro trong thập kỷ tới, và dựa trên giả định cho rằng Ukraine lấy lại được tất cả các vùng lãnh thổ ở miền Đông mà Quân đội Nga đang kiểm soát.
Bruegel dự báo Kiev sẽ được hưởng 85 tỷ Euro từ Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) – gói trợ cấp khổng lồ của khối dành cho nông dân. Khi chương trình được triển khai theo ha (đất nông nghiệp), Ukraine, với ngành nông nghiệp hùng mạnh, sẽ trở thành nước nhận nhiều nhất.
Ukraine cũng sẽ nhận được 32 tỷ Euro từ Quỹ Gắn kết, tài trợ cho các dự án phát triển. Việc phân bổ Quỹ Gắn kết được giới hạn ở mức 2,3% GDP của một quốc gia thành viên. Nếu không có mức trần này, Ukraine sẽ được hưởng khoảng 190 tỷ Euro, tức gấp 6 lần.
Ngoài ra, 7 tỷ Euro từ các chương trình khác cũng có thể được phân bổ. Tổng cộng, Ukraine sẽ nhận được khoảng 136 tỷ Euro (theo giá hiện hành) trong thời gian ngân sách 7 năm.
Con số này thấp hơn nhiều so với con số 186 tỷ Euro mà tờ Financial Times đưa tin hồi tháng 10 năm ngoái, dựa trên một nghiên cứu bị rò rỉ do Hội đồng châu Âu soạn thảo.
Tuy nhiên, nếu Ukraine không giành lại được miền Đông và bị giảm vĩnh viễn lãnh thổ, dân số và nguồn lực kinh tế, Bruegel ước tính số tiền phân bổ mà quốc gia Đông Âu nhận được sẽ giảm xuống còn 110 tỷ Euro.
…Vẫn chỉ là giả thuyết
Tư cách thành viên của Ukraine sẽ “hầu như không thay đổi” tỉ lệ giữa nước đóng góp ròng và nước hưởng lợi ròng từ ngân sách EU, tuy nhiên sẽ gây ra sự thay đổi rõ rệt trong phân bổ ngân sách.
Ngay cả khi Ukraine có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau chiến tranh, nước này vẫn sẽ nghèo hơn đáng kể so với quốc gia nghèo nhất EU là Bulgaria, và thậm chí còn nghèo hơn cả các quốc gia ở Tây Balkan cũng đang tìm đường gia nhập khối này.
Kết quả là GDP bình quân đầu người của EU sẽ giảm, dẫn đến những thay đổi về mức độ phân bổ Quỹ Gắn kết cho từng khu vực đủ điều kiện, ông Zsolt Darvas, một thành viên cấp cao tại Bruegel và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.
Ngoài ra, khoảng cách giàu nghèo có thể kích thích làn sóng di cư của khoảng 3-6 triệu người Ukraine sang các quốc gia châu Âu khác để tìm kiếm mức lương cao hơn và an ninh lao động.
“Nếu mức trung bình giảm xuống, điều đó có nghĩa là một số khu vực EU hiện đang ở mức thấp nhất có thể chuyển lên các khu vực chuyển tiếp và một số khu vực chuyển tiếp có thể chuyển lên các khu vực phát triển hơn”, ông Darvas nói với Euronews. “Chúng tôi cũng thấy rằng các nước EU hiện tại sẽ nhận được ít hơn khoảng 24 tỷ Euro từ Quỹ Gắn kết, đơn giản chỉ vì tác động cơ học của Ukraine”.
Ông Darvas lưu ý rằng việc tăng ngân sách EU sẽ “tương đối khiêm tốn” và do đó “có thể thực hiện được”, nhưng nhấn mạnh rằng các dự báo này hoàn toàn chỉ mang tính “giả thuyết” vì EU dự kiến sẽ xem xét lại các quy tắc nội bộ và việc ra quyết định của mình trước khi mở rộng hơn nữa về phía Đông.
Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – hồi tháng 10 năm ngoái đã nhấn mạnh rằng ngân sách tương lai của EU sẽ không chỉ đơn giản là sao chép ngân sách hiện tại, mà còn cần phải được cải cách, bao gồm cả vấn đề về cách huy động tiền và chi tiêu vào đâu.
“Theo kinh nghiệm trước đây của chúng tôi, tác động của việc mở rộng sẽ phụ thuộc vào nhiều thông số – chẳng hạn như phạm vi, thời gian, thiết kế chính sách. Do đó, phép ngoại suy ở giai đoạn này không nói lên nhiều điều”, một phát ngôn viên của EC cho biết vào thời điểm đó.
Minh Đức (Theo Euronews, Politico EU)