Hiện giá nước sạch tại Hà Nội đang áp dụng theo quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10 m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (áp dụng từ 1/10/2015).
Mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành kế hoạch thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và đến năm 2024 tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 khiến nhiều người dân lo ngại phí sinh hoạt phải đội thêm một khoản.
Bà Nguyễn Thị Tốn (75 tuổi) sống tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội cho biết, hiện tại bà sống một mình, thu nhập của bà chủ yếu từ bán rau cho người dân xung quanh ngõ mình ở. Bởi vậy, thu nhập không được bao nhiêu mà còn phải lo các chi phí sinh hoạt như ăn uống, tiền điện nước.
Sử dụng nước là điều tối thiểu trong sinh hoạt, nên bà Tốn nghĩ đối với những người có thu nhập thấp như bà thì việc tăng giá nước sạch gần gấp đôi như vậy là không hợp lý. Dù 10 năm nay không tăng giá nước sạch, thì cũng cần nghiên cứu kỹ về mức tăng bởi không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để chịu mức tăng gần gấp đôi như vậy.
Thực tế, bà vẫn đang chật vật về kinh tế, bà vẫn phải lo từng bữa ăn và phí sinh hoạt điện nước hàng tháng. Nếu tăng như vậy thì bà sẽ phải chịu thêm một phần chi phí nữa, trong khi thu nhập chỉ đến từ những mớ rau, củ hành. “Tháng nào cũng chỉ có từng đó tiền, mà cái gì cũng tăng khiến tôi rơi vào cảnh “khó khăn chồng khó khăn". Giờ tôi già, không có ai nhận làm việc hết nên tăng giá nước sạch khiến tôi càng thêm sức ép về kinh tế".
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Trần Ngọc Minh (61 tuổi) trú tại Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Tp.Hà Nội cho rằng nên tăng ít hoặc giữ nguyên mức giá hiện tại là tốt nhất. Hiện tại, bà đang sống cùng gia đình con trai tại căn nhà thuê 30 m2. Mỗi tháng, gia đình bà phải chi khoảng 150.000 - 200.000 đồng tiền nước sạch, với mức tăng như vậy thì gia đình bà phải chịu khoảng 250.000 - 300.000 đồng mỗi tháng.
Bà Minh cho biết thêm, con trai và con dâu mở quán bán hàng tại nhà và đang tiết kiệm, tích góp để cố gắng mua nhà trả góp sớm nhất có thể. Nhưng hiện nay với tình trạng cái gì cũng tăng, trong khi thu nhập càng ngày càng hạn chế khi người dân tiết giảm chi tiêu, mua bán ít hơn trước rất nhiều thì việc tăng giá nước ảnh hưởng không ít đến chi tiêu trong gia đình bà.
Trước đây, mỗi tháng thu nhập từ bán hàng quán nhà bà được 18-20 triệu đồng, tuy nhiên từ đợt dịch người dân thu nhập đi xuống, nên hiện tại gia đình bà chỉ thu được 14-15 triệu đồng/tháng từ việc bán tạp hoá. Trong khi đó, phần giảm từ thu nhập lại là phần tiết kiệm của gia đình, nên nhà bà cũng phải cắt giảm chi tiêu rất nhiều và kế hoạch mua nhà bị kéo dài thời gian hơn.
Hai cháu của bà Minh đang học cấp 1 nên tiền học, tham gia các hoạt động lại tốn kém hơn nữa. Bà cho biết thêm, mỗi người dân có hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nên tăng giá nước dựa theo tình hình chung của người dân lao động và tăng với mức vừa phải để người dân thích nghi dần với việc phát sinh chi phí sinh hoạt.
Đồng quan điểm với bà Minh, chị Trần Thị Nhung (22 tuổi) trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội cho rằng nếu tăng giá nước sạch thì chỉ nên nhỉnh thêm một ít vì đến năm 2024 lại tiếp tục tăng giá nước sạch. Là sinh viên thuê trọ, nên mỗi tháng chị phải chịu 13.000 đồng/m3 thay vì 5.973 đồng/m3 như những hộ dân có nhà tại Hà Nội.
Vừa ra trường, công việc còn chưa ổn định, mọi thứ vẫn đang trong giai đoạn “bấp bênh" nên chị thấy việc tăng giá nước thì sức ép về kinh tế của mình cũng tăng theo. Hiện tại thu nhập của chị Nhung chỉ 5 triệu đồng/tháng, trừ đi tiền thuê trọ, điện nước thì phải chi tiêu rất tiết kiệm thì tiền lương mới đủ trang trải. Trong khi đó, mặt hàng nào cũng tăng hơn so với trước, giờ thêm tiền nước sạch tăng nữa thì chị lo ngại về việc rơi vào hoàn cảnh “lương không đủ sống".
Việc tăng giá nước là theo quy định, nếu tăng giá nước sạch thì phải chấp nhận nhưng đồng nghĩa với việc chị phải sử dụng tiết kiệm hơn trước dù có hơi bất tiện.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Thành phố đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã. Hiện Hà Nội có 11 công ty nước sạch với tổng công suất đạt trên 1,5 triệu m3/người.
Bước sang năm 2023, nhằm tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu này, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Đến lúc đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Tuy nhiên, việc triển khai tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu – chi.