Sau 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, đến nay giá sách giáo khoa đang dần được điều chỉnh ổn định, đảm bảo cung ứng đủ đến tay tất cả học sinh. Tuy nhiên những quan niệm về "chiết khấu", "hoa hồng", "chi phí phát hành" vẫn đang bị lầm tưởng khiến cho phụ huynh có cái nhìn không thiện cảm đối với giá sách giáo khoa hiện nay.
Dùng từ sai khiến người dân hiểu sai
Trao đổi với Người Đưa Tin về các khái niệm trong việc phân phối, cung ứng sách giáo khoa, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: "Chúng ta dùng từ chiết khấu là không đúng, bởi chiết khấu hay được hiểu là giảm giá, mua với chiết khấu bao nhiêu tiền. Dùng từ như vậy là sai bản chất khiến người dân nghĩ rằng các nhà xuất bản chiết khấu cao nên bán sách giáo khoa giá cao".
Cũng theo chuyên gia chi phí phát hành cũng không phải hoa hồng để chia nhau, mà đó là phí lưu thông sách đến tận tay người tiêu dùng. Ai tham gia phát hành được hưởng phần đó để bù đắp chi phí của mình đã bỏ ra.
"So sánh như sản phẩm xăng dầu hiện nay chi phí này sẽ gồm: Giá nhập khẩu, các loại thuế phí, chi phí lưu thông,…tất cả sẽ cộng để trở thành giá bán lẻ đến tay người mua. Giá sách giáo khoa cũng vậy bao gồm các chi phí in ấn, chi phí phát hành, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút,...chứ không gọi đây là chiết khấu", ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.
Trước câu hỏi "đâu là chi phí phát hành hợp lý?", ông Nguyễn Tiến Thoả đưa ra quan điểm: "Nếu như trước đây, sau khi sản xuất một bộ sách giáo khoa mới cần có cả chi phí tập huấn khiến cho chi phí phát hành lên đến hơn 20%. Nhưng hiện nay sau khi các nhà xuất bản tính toán lại khoản chi phí này nằm trong khoảng 10-13% là mức chấp nhận được bởi trong điều kiện nay các mặt hàng dịch vụ khác, chính sách tiền lương đều được điều chỉnh tăng".
Đồng thời, chuyên gia cũng cho rằng vấn đề này có vai trò không nhỏ của Bộ GD&ĐT khi đây sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm định giá tối đa.
Ông Ngô Trần Ái Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VEPIC: Như mọi quy luật lưu thông khác, phần chi phí này dùng để trả cho các đại lý cấp dưới; chi phí cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển, lưu kho), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có khẳng định này bởi theo ông Thoả nếu Luật giá 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định sách giáo khoa là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về giá), theo đó doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên từ 1/7/2024, Luật Giá 2023 có hiệu lực quy định sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá và Bộ GD&ĐT định giá tối đa.
"Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm kiểm soát cơ cấu hình thành giá sách giáo khoa. Bây giờ nhà xuất bản không tự định chi phí phát hành như trước kia mà do Bộ GD&ĐT quản lý. Chi phí cao hay thấp thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT", ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ.
Để sách giáo khoa đến tay học sinh là điều không dễ dàng
Là đơn vị phát hành tại khu vực có nhiều địa hình khó khăn, chia sẻ với Người Đưa Tin ông Nguyễn Song Luân - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Sách – Thiết bị trường học Gia Lai cho rằng phát hành sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị, với mong muốn cung ứng đầy đủ sách giáo khoa đến tay học sinh chứ rất khó có lãi.
"Mặc dù chi phí phát hành hiện nay từ 13-15% nhưng chúng tôi phải trải qua các khâu chi phí như bán lại cho các kênh bán hành ở cấp huyện, thuê kho bãi, trả lương cho công nhân, chi phí bốc xếp hàng,…nếu tính tổng chi phí thì chỉ có thể là hòa vốn", ông Nguyễn Song Luân cho hay.
Chưa kể do ở địa phương đặc biệt có nhiều vùng đồi núi đi lại khó khăn nhà phát hành cho biết không phải lúc nào sách cũng đưa về huyện dễ dàng mà phải qua 2-3 lần vận chuyển, như vậy các chi phí sẽ càng tăng thêm.
Ông Nguyễn Song Luân khẳng định: "Với vai trò của mình, chúng tôi vẫn sẵn sàng làm để mong muốn có đủ sách cho các em đến trường. Đến nay số lượng sách đã được chuẩn bị sớm đầy đủ ngay từ đầu mùa tránh bị thời tiết, mưa lũ ảnh hưởng đến thời gian nhận sách của học sinh".
Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam: "Trong cấu thành giá của SGK có rất nhiều chi phí. NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị xuất bản SGK khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục quản lý giá phê duyệt. Như vậy, trên thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có, hoặc có rất ít".
Từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT 2018 được triển khai lần đầu đối với lớp 1 và thực hiện "cuốn chiếu" để đến năm học 2024-2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Các bộ sách giáo kho do các cá nhân, tổ chức biên soạn, được Bộ GD&ĐT phê duyệt, các cơ sở giáo dục lựa chọn sử dụng trong các nhà trường.