Sầu riêng rớt giá mạnh
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, nếu như cách đây khoảng 1 tháng, giá sầu riêng tại các tỉnh miền Tây đạt 210.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 80.000 - 120.000 đồng/kg.
Ngày 13/3, ông Lương Văn Hận, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Phú Quý - tỉnh Tiền Giang, cho biết thương lái thu mua tại vườn của các xã viên hợp tác xã khoảng trên dưới 75.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và hơn 110.000 đồng/kg sầu riêng monthong. Mức giá này đã giảm khoảng gần một nửa so với hơn 1 tháng trước.
Tương tự, tại Bến Tre, giá sầu riêng đang được thương lái thu mua phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng những nhà vườn vẫn thu lợi nhuận bởi giá thành giá sầu riêng hiện vào khoảng 50.000 đồng/kg
Cùng với việc đã vào chính vụ, theo nhiều thương lái, giá sầu riêng lên xuống là tùy thuộc vào giá thu mua từ phía Trung Quốc theo từng đợt hàng.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng đang là trái cây có nhiều đơn hàng với số lượng lớn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Kinh tế & Đô thị, sầu riêng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sầu riêng Thái Lan, Malaysia và tới đây là Philippines, khi nước này đã được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc từ ngày 4/1/2023.
Đáng chú ý, mới đây Chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc 30 nghìn hecta đất nông nghiệp với mục đích duy nhất là trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Diện tích này bằng 38% diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam.
Thêm vào đó, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane – Côn Minh (điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để sầu riêng đến tay người tiêu dùng khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.
Lo ngại vòng luẩn quẩn trồng - chặt
Tuy giá sầu riêng trồi sụt nhưng nhà vườn vẫn ồ ạt đốn bỏ các loại cây khác để trồng sầu riêng bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn vùng Tây Nguyên diện tích sầu riêng tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000ha đã vượt quy hoạch. Con số thực tế có thể lớn hơn vì thống kê chưa phản ánh đầy đủ đối với các vườn nhỏ hoặc trồng xen. Hàng chục ngàn héc ta sầu riêng trong số này đang ở giai đoạn kiến thiết hoặc thu bói.
Ngoài ra, tổng sản lượng sầu riêng ước tính năm 2023 sẽ đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực Việt Nam, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khống chế diện tích sầu riêng dưới 75.000ha, sản lượng dưới 950.000 tấn. Sầu riêng chỉ sử dụng một phần nội địa, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, cho biết quy hoạch của tỉnh chỉ phát triển khoảng 7.000ha sầu riêng nhưng hiện đã hơn 6.100ha. Dù diện tích chưa vượt quy hoạch nhưng với giá sầu riêng hiện tại quá hấp dẫn, người dân vẫn đua nhau phá bỏ cà phê, hồ tiêu trồng sầu riêng, rất đáng lo ngại. Do đó, tỉnh đã có nhiều văn bản gửi về các địa phương ngăn chặn việc mở rộng diện tích ngoài quy hoạch.
"Ngoài văn bản, sở còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về hội nông dân các địa phương. Trong đó sẽ nói về dự báo thị trường, chuyên môn về chăm sóc cây sầu riêng, khu vực đất phù hợp... Từ đó khuyến cáo người dân đừng vì thấy giá cao mà bất chấp trồng sầu riêng, dẫn đến hệ lụy lớn sau này", ông Tuấn Anh nói.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho rằng không có chế tài nào buộc người dân ngừng trồng sầu riêng, mở rộng diện tích. Theo ông, sở đã có nhiều văn bản khuyến cáo để người dân không mở rộng diện tích ở những vùng không phù hợp.
"Mình không bắt người dân trồng hay không trồng cây này cây kia được vì đất của người ta. Tuy nhiên tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án vùng trồng tập trung các cây ăn trái, trong đó có sầu riêng.
Qua đề án cũng sẽ xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân trồng cây ăn trái đúng vùng quy hoạch. Người dân nào trồng sầu riêng ngoài diện tích mà đề án khuyến cáo sẽ không được hỗ trợ", ông Thành nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) Phan Thanh Sơn cũng thừa nhận địa phương rất lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Bởi chỉ riêng địa phương này, trong thời gian qua từ một địa phương chủ yếu trồng lúa, hoặc cây ăn trái chủ yếu là mít thái, xoài thì nay chỉ tính riêng diện tích sầu riêng đã khoảng 7.000ha trong tổng số 22.000ha diện tích cây ăn trái của huyện. Ông Sơn cho hay nông dân thu nhập tiền tỉ từ cây sầu riêng là chuyện bình thường, do đó, diện tích cứ tăng lên.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp, nhấn mạnh chi phí trồng sầu riêng rất cao, thời gian sinh trưởng trên dưới 20 năm, không thể "trồng - chặt" như cây mít. Khi trồng cây sầu riêng, nông dân phải "đổ tiền" đầu tư liên tục, nếu không cây đổ lá, không có trái nữa, rụng lá, chết.
"Người nông dân cần thận trọng, phải tính toán đủ chi phí đầu tư trong năm năm đầu tiên, nếu không có tiền là "chết đứng". Thực tế, cây sầu riêng rất "khó tính", không thể trồng xen với các loại cây trồng khác dẫn đến hư hại nhánh, không thể cho trái", ông Điền nói và cho hay đang kiểm soát về giống, yêu cầu không được phép chuyển đổi từ cây lúa sang sầu riêng, cung cấp cho người dân thông tin kỹ thuật trồng, chi phí trồng...
Chú trọng nâng cao chất lượng trái sầu riêng
Ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch Hợp tác xã trái cây Krông Pắk (Đắk Lắk), khẳng định không nên mở rộng diện tích sầu riêng mà cần có một quy trình chăm sóc chuẩn để đem lại hiệu quả cao đối với trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
Hợp tác xã của ông có hàng ngàn héc ta sầu riêng và có gần 1.020ha với khoảng 20.000 tấn được cấp mã vùng trồng (16 mã), ông Tuấn lo lắng dù giá sầu riêng đang cao nhưng nêu cứ mở rộng diện tích ở những nơi không có khí hậu, thổ nhưỡng tốt, kỹ thuật chăm sóc không đúng sẽ rất nguy hiểm.
"Ngành nông nghiệp cần có mô hình canh tác, chăm sóc giống nhau trên một vùng canh tác để cho ra các sản phầm đồng đều, hương vị như nhau", ông Tuấn đề xuất.
Ông Trần Thanh Tâm, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp, nhắc lại ví dụ tiềm năng cây mít có thời điểm bị thổi phồng lên, bà con ồ ạt trồng, ngành nông nghiệp có công văn thông báo nhưng bà con vẫn trồng, theo ông Tâm, muốn phát triển bền vững cây trồng, ngoài bán tươi cần có doanh nghiệp đủ lớn để chế biến.
Đặc biệt, theo ông Tâm, để tăng cường tính cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc, mới đây Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn cho sầu riêng xuất khẩu, yêu cầu khối lượng tối thiểu là 3,5kg, đạt tối thiểu bốn hộc, tỉ trọng múi trên 35%. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu các loại nông sản thì phải kiểm soát chất lượng để giữ uy tín.
Minh Hoa (t/h)